Môi trường bên ngoài của doanh nghiệp là một tập hợp các yếu tố, lực lượng, điều kiện ràng buộc ngoài doanh nghiệp có ảnh hưởng tới sự tồn tại, vận hành và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Sự tác động qua lại giữa doanh nghiệp và các yếu tố của môi trường bên ngoài giúp doanh nghiệp nhận biết và khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả hơn. Cụ thể, phân tích môi trường bên ngoài doanh nghiệp góp phần (Thompson và Strickland, 1987; Johnson và các cộng sự, 2005):
- Xác định được cơ hội và các mối đe dọa: Sự tương tác giữa môi trường và doanh nghiệp sẽ xác định cơ hội và mối đe dọa cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp kinh doanh đáp ứng những thách thức để thành công;
- Xác định rõ phương hướng phát triển: sự tương tác giữa môi trường và doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp xác định được khu vực tiềm năng để mở rộng thị phần doanh nghiệp của mình;
- Nâng cao kiến thức tập thể doanh nghiệp: Phân tích môi trường bên ngoài giúp các nhà quản lý dễ dàng hơn trong việc đối phó với những thách thức kinh doanh. Các nhà quản lý có động lực để tiếp tục học hỏi, liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng để nâng cao khả năng dự đoán trong môi trường biến đổi;
- Xây dựng hình ảnh doanh nghiệp: Sự hiểu biết về môi trường bên ngoài sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện hình ảnh của mình bằng sự nhạy cảm của họ với môi trường mà họ đang làm việc. Ví dụ như trong tình trạng thiếu điện, nhiều công ty đã tự xây dựng tổ phát điện trong các nhà máy của họ để đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất;
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: Sự tác động này giúp các doanh nghiệp phân tích chiến lược của đối thủ cạnh tranh và xây dựng chiến lược phù hợp với nội tại doanh nghiệp;
- Xác định điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp: Môi trường kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp xác định được để hạn chế điểm yếu cũng như tận dụng được tối đa các điểm mạnh vốn có.
Môi trường bên ngoài bao gồm nhiều yếu tố cấu thành và có đặc điểm như sau:
- Các yếu tố cấu thành không cố định mà thường xuyên biến đổi: Các yếu tố từ vĩ mô cho đến nội tại đều biến đổi không ngừng theo sự biến đổi của xã hội. Sự biến đổi của các yếu tố thậm chí còn nhanh và rõ ràng hơn trong xã hội hiện đại. Các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời được sự biến đổi của các yếu tố xung quanh sẽ có cơ hội để phát triển.
- Sự tác động giữa doanh nghiệp và môi trường bên ngoài là tác động hai chiều, có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau: Các yếu tố môi trường bên ngoài tác động tới doanh nghiệp tạo ra cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ của những doanh nghiệp ngược lại cũng tác động tới khách hàng, môi trường,…từ đó tác động ngược lại tới môi trường bên ngoài. Việc dung hòa mối quan hệ giữa môi trường bên ngoài và doanh nghiệp là nghệ thuật tạo nên sự thành công của doanh nghiệp.
Môi trường bên ngoài được phân thành môi trường vĩ mô và môi trường ngành, như sau:
1. Môi trường vĩ mô
Môi trường vĩ mô (hay môi trường xã hội) là tập hợp các yếu tố có ảnh hưởng đến các quyết định chiến lược và sự tồn tại trong dài hạn của doanh nghiệp, gồm bốn nhóm môi trường cơ bản: (i) môi trường kinh tế; (ii) môi trường chính trị – pháp luật; (iii) môi trường văn hóa xã hội; (iv) môi trường tố công nghệ; tùy theo loại hình và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp còn chịu sự tác động của nhiều yếu tố môi trường tự nhiên, nhân khẩu học, môi trường quốc tế.
Thứ nhất là môi trường kinh tế. Sự tồn tại và thành công của doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào môi trường kinh tế, lại được cấu thành bởi 3 yếu tố: điều kiện kinh tế, chính sách kinh tế và hệ thống kinh tế.
- Điều kiện kinh tế: là tập hợp các yếu tố có ảnh hưởng tới nền kinh tế một quốc gia như tổng sản phẩm trong nước, thu nhập bình quân đầu người, dự trữ ngoại hối, sức mạnh thị trường vốn,…mà nếu các yếu tố này tốt sẽ cải thiện tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
- Chính sách kinh tế: Tất cả các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều bị chi phối bởi chính sách kinh tế do Chính phủ quyết định theo từng thời kỳ như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách xuất nhập khẩu,…
- Hệ thống kinh tế: Nền kinh tế thế giới chủ yếu bị chi phối bởi ba hệ thống kinh tế là tư bản chủ nghĩa, tư bản xã hội và nền kinh tế hỗn hợp. Mỗi doanh nghiệp tại một nền kinh tế sẽ có những định hướng phù hợp để tồn tại.
Thứ hai là môi trường chính trị – pháp luật, cũng có ảnh hưởng quyết định về mặt pháp lý tới hoạt động của doanh nghiệp, gồm hệ thống chính trị, các chính sách của Chính phủ, thái độ đối với cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động được vì điều kiện xã hội cho phép, hay nói cách khác là tuân thủ các yếu tố chính trị. Sự ổn định của các yếu tố chính trị cũng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh ở mức độ khá lớn, hoặc là tạo ra cơ hội, hoặc là tạo ra thách thức.
Thứ ba là môi trường văn hóa xã hội, liên quan đến các giá trị cốt lõi được xã hội ghi nhận và có ảnh hưởng đáng kể tới sự vận hành của một doanh nghiệp. Các khía cạnh hình thành môi trường văn hoá xã hội có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các hoạt động kinh doanh như: những quan niệm về đạo đức, thẩm mỹ, về lối sống, về nghề nghiệp; những phong tục, tập quán, truyền thống; những quan tâm và ưu tiên của xã hội; trình độ nhận thức, học vấn chung của xã hội…
Thứ tư là môi trường tố công nghệ, gồm các phương pháp kỹ thuật được doanh nghiệp áp dụng để sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ của mình. Các môi trường công nghệ tại các quốc gia khác nhau sẽ ảnh hưởng tới sản phẩm tại các quốc gia đó, từ công dụng bên trong sản phẩm cho đến thiết kế bên ngoài sản phẩm. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, tốc độ thay đổi công nghệ là rất nhanh. Do đó, để tồn tại và phát triển được trên thị trường, các doanh nghiệp cần phải luôn luôn đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến công nghệ của mình để đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu khách hàng.
Ngoài ra, tùy theo loại hình và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp còn chịu sự tác động của nhiều yếu tố môi trường tự nhiên, nhân khẩu học, môi trường quốc tế.
Để phân tích môi trường vĩ mô, mô hình PEST và các biến thể của nó là công cụ phổ dụng được thừa nhận và áp dụng rộng rãi hiện nay.
2. Môi trường ngành
Môi trường ngành (hay môi trường nhiệm vụ) là môi trường ngành kinh doanh mà doanh nghiệp đang hoạt động trong đó; gồm tập hợp các yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và đồng thời cũng chịu ảnh hưởng từ doanh nghiệp. Cụ thể, môi trường ngành gồm nhiều yếu tố, bao gồm: khách hàng; nhà cung cấp; đối thủ cạnh tranh; cổ đông; nhà phân phối; tổ chức tín dụng; công đoàn; công chúng; nhóm quan tâm đặc biệt. Trong đó, khách hàng; nhà cung cấp; đối thủ cạnh tranh là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và mạnh nhất tới môi trường ngành của doanh nghiệp.
- Khách hàng là những cá nhân tổ chức có nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp cung cấp. Mối quan hệ giữa khách hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ qua lại. Yếu tố khách hàng có ảnh hưởng rất lớn trong chiến lược thu hút kinh doanh của từng doanh nghiệp. Nắm bắt được thị phần khách hàng riêng sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững.
- Nhà cung cấp là những cá nhân doanh nghiệp có khả năng sản xuất ra các yếu tố đầu vào trong chu trình sản xuất và cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp. Số lượng, chất lượng của các nhà cung cấp sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và giá thành của sản phẩm làm ra, từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
- Đối thủ của doanh nghiệp bao gồm các đối thủ cạnh tranh trực tiếp hiện tại và các đối thủ tiềm tàng. Đối thủ cạnh tranh hiện tại là các doanh nghiệp trong cùng một mảng thị trường, đã có vị thế vững vàng tương đương. Số lượng, quy mô và sức mạnh của các đối thủ cạnh tranh hiện tại có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đối thủ tiềm tàng là các doanh nghiệp hiện chưa ra mặt cạnh tranh nhưng vẫn có khả năng cạnh tranh trong tương lai. Đối thủ tiềm tàng càng nhiều càng ảnh hưởng tới chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai.
- Cổ đông là các cá nhân hay tổ chức nắm giữ quyền sở hữu hợp pháp một phần hay toàn bộ phần vốn góp (cổ phần) của một công ty cổ phần. Chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu này gọi là cổ phiếu. Về bản chất, cổ đông là thực thể đồng sở hữu công ty cổ phần chứ không phải là chủ nợ của công ty đó do vậy quyền lợi và nghĩa vụ của họ gắn liền với kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
- Nhà phân phối là các cá nhân và/hoặc tổ chức trung gian phân phối sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp đến khách hàng cuối cùng. Ở một nghĩa hẹp, họ chính là khách hàng của doanh nghiệp.
- Tổ chức tín dụng có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp thông qua thị trường tài chính hoặc gián tiếp đến doanh nghiệp thông qua biến động về lãi suất.
- Công đoàn (nghiệp đoàn, liên đoàn lao động) là hiệp hội của những người làm công ăn lương có mục đích duy trì hay cải thiện các điều kiện thuê mướn họ. Sức mạnh của công đoàn là sức mạnh tập thể người lao động vào vì vậy có tác động đáng kể đến môi trường nội bộ doanh nghiệp.
- Công chúng là tập hợp các nhóm người, bao gồm cả các cá nhân liên quan đến doanh nghiệp (khách hàng, nhân viên ..). Tiếng nói hay xu hướng của công chúng không chỉ là một kênh thông tin cho tương lai mà còn có tác động không nhỏ đến doanh nghiệp.
- Nhóm quan tâm đặc biệt là các nhóm cá nhân và/hoặc tổ chức có sự chú ý đặc biệt đến một hay một số khía cạnh của hoạt đông sản xuất kinh doanh và phát triển của ngành hoặc môi trường vĩ mô của doanh nghiệp; từ đó, có tác động đến doanh nghiệp.
Các công cụ phân tích môi trường ngành cơ bản gồm: mô hình năm áp lực, nhóm chiến lược, ma trận BCG II, mô thức EFAS.
Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 24 – 27 & 28 – 29.
9 Th9 2019
8 Th12 2019
3 Th12 2019
9 Th9 2019
9 Th9 2019
18 Th12 2019