Trong nghiên cứu về sự khác biệt giữa hiệu quả hoạt động giữa các nhóm doanh nghiệp, Hunt (1972) đã sử dụng khái niệm “nhóm chiến lược” (strategic groups) để miêu tả nhóm các doanh nghiệp cùng ngành. Theo đó, hai doanh nghiệp được coi là cùng nhóm chiến lược khi “chúng có các đặc điểm cấu trúc chi phí, mức độ tích hợp theo chiều dọc, và mức độ khác biệt hóa sản phẩm, tổ chức chính thống, hệ thống kiểm soát, cơ chế thưởng phạt, và quan điểm cá nhân và những ưu tiên đối với sản phẩm đầu ra tương tự nhau” (Hunt, 1972). Trong tác phẩm của mình, Porter (1980) đưa ra định nghĩa “Một nhóm chiến lược gồm tập hợp nhóm các doanh nghiệp cùng áp dụng một (hay một vài) chiến lược tương đồng, sử dụng các nguồn lực tương đồng trên cùng một thị trường mục tiêu”,
1. Nội dung phân tích mô hình nhóm chiến lược của Porter (1980)
Nhóm chiến lược của Porter được sử dụng trong quản lý chiến lược nhằm phân tích cấu trúc cạnh tranh ngành thông qua nhóm cạnh tranh gộp các doanh nghiệp cùng ngành áp dụng một hay một vài chiến lược tương đồng nhau.
Cụ thể hơn, các nhóm chiến lược trong ngành được xác định thông qua một số yếu tố quan trọng như: mức độ khác biệt hoá của sản phẩm dịch vụ, thương hiệu, chính sách giá, phương thức phân phối, quy mô, dịch vụ hậu mãi, chất lượng sản phẩm, trình độ công nghệ … Các yếu tố trên là cơ sở cho phép vị trí của từng doanh nghiệp sẽ được thiết lập, từ đó xác định được các nhóm gồm nhiều điểm doanh nghiệp có vị trí gần nhau.
Trong cùng một nhóm cũng có sự cạnh tranh và có sự cạnh tranh giữa các nhóm. Mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và giữa các nhóm phụ thuộc vào số lượng nhóm và “khoảng cách” giữa các nhóm. Trên cơ sở xác định được vị trí của mình, thuộc nhóm nào và mức độ cạnh tranh, các doanh nghiệp có thể rút ra được các chiến lược riêng cho mình như: tiếp tục củng cố vị trí tại nhóm hiện tại; hay thâm nhập nhóm có vị trí thuận lợi hơn; hay tạo ra một nhóm chiến lược mới ở những vùng trống.
2. Phương pháp xây dựng
Để xác định các nhóm chiến lược trong một ngành cần thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Xác định 2 yếu tố thành công quan trọng của ngành cần phân tích;
- Bước 2: Xác định vị trí hiện tại của mỗi doanh nghiệp trong ngành theo mỗi tiêu chí trên (theo thang điểm từ 0 đến 1);
- Bước 3: Xác định vị trí của các doanh nghiệp trong ngành theo tọa độ giá trị của 2 yếu tố trên; mỗi doanh nghiệp biểu thị bằng 1 chấm trên đồ thị;
- Bước 4: Hình thành nhóm doanh nghiệp có các đặc tính tương đồng (ví trị) và phân tích các định hướng chiến lược của nhóm cũng như các thành viên nhóm
3. Áp dụng phân tích nhóm chiến lược của Porter đối với ngành dịch vụ cảng biển Hải Phòng
Phân tích nhóm chiến lược được thực hiện trên cơ sở hai yếu tố thành công chính là năng lực khai thác cảng / 1 m cầu cảng (được tinh tổng sản lượng hàng container cả năm của cảng / chiều dài cầu cảng) và thị phần tương đối của các cảng trong ngành dịch vụ cảng container (như cách tính đã trình bày với ma trận BCG và McKinsey). Kết quả phân tích các cảng conaitner khu vực Hải Phòng chỉ rõ 05 nhóm chiến lược như sau:
- Nhóm A: Cảng Hải Phòng là cảng lâu đời, truyền thống có năng lực khai thác lớn và hiện chiếm lĩnh thị trường khu vực. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vị thế của cảng đang bị lung lay mạnh, thể hiện qua thị phần giảm. Nguyên nhân chính là do bị các cảng đối thủ tấn công gay gắt;
- Nhóm B: Cảng Đình Vũ: có năng lực khai thác lớn và có xu hướng đi lên tăng cả thị phần và năng lực, nhằm hướng đến nhóm A;
- Nhóm C: PTSC Đình Vũ, Cảng Green Port, Cảng Hải An là các cảng có mức tăng trưởng mạnh về năng suất và đang nỗ lực mở rộng thị phần, cả hai yếu tố vốn còn nhiều hạn chế của cảng. Cả nhóm đang thể hiện xu hướng đi lên, đặc biệt, Green Port và PTSC Đình Vũ có xu hướng tách nhóm, hướng đến ra nhập Nhóm B;
- Nhóm D: Cảng Đoạn Xá, Cảng Nam Hải là những cảng lâu đời tại Hải Phòng. Vị thế của nhóm này đang có xu hướng đi xuống giảm, thị phần bị mất dần do năng lực cạnh tranh hạn chế. Cảng Nam Hải Đình Vũ mới bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cảng Container;
- Nhóm E: Tân Cảng 189, Tân Cảng 128, Cảng Transvina là nhóm cảng nhỏ, khai thác quoanh quẩn trong tập khách hàng giới hạn của mình.
Nhóm chiến lược của các cảng container khu vực Hải Phòng (2016)
Xem thêm các ví dụ áp dụng phân tích doanh nghiệp thực tế tại đây.
Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 49 – 51.
8 Th12 2019
16 Th2 2020
1 Th2 2020