Mô hình năm áp lực cạnh tranh của Porter phân tích môi trường ngành

Năm 1979, Michael E. Porter xây dựng và công bố Mô hình năm áp lực cạnh tranh trong tác phẩm “Các áp lực cạnh tranh định hình chiến lược như thế nào – How Competitive Forces Shape Strategy” trên tạp chí Harvard Business Review. Theo đó, năm áp lực gồm: đối thủ tiềm tàng (new entrants), sản phẩm và dịch vụ thay thế (substitute products or services), khách hàng (customers/buyers), nhà cung cấp (suppliers) và cạnh tranh giữa các đối thủ trong ngành (competitive rivalry). Kể từ đó mô hình này trở thành một công cụ phân tích cấu trúc ngành công nghiệp quan trọng trong quá trình quản trị chiến lược. Cùng với thời gian, mô hình này được các nhà nghiên cứu phát triển, bổ sung thêm một số yếu tố để hình thành các biến thể mô hình sáu và bảy áp lực. Tuy nhiên, mô hình gốc 5 áp lực vẫn là mô hình phân tích được sử dụng phổ biến nhất khi phân tích môi trường một ngành kinh tế.

1. Nội dung phân tích mô hình năm áp lực cạnh tranh

Theo Porter (1980), năm áp lực cạnh tranh kể trên tách biệt với các môi trường vĩ mô đã trình bày ở trên và cấu thành nên môi trường vi mô của doanh nghiệp. Các áp lực này liên quan chặt chẽ và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành, từ đó quyết định sức hấp dẫn và cạnh tranh trong ngành. Khi một áp lực thay đổi, doanh nghiệp cần đánh giá lại thị trường, nắm bắt thay đổi trong ngành. Dựa trên những thông tin phân tích từ mô hình năm áp lực, các nhà quản lý có thể đưa ra những quyết định hành động chiến lược; thích ứng các mục tiêu phù hợp để duy trì và nâng cao vị thế của doanh nghiệp.

Mô hình năm áp lực cạnh tranh được trình bày như hình sau:

Mô hình năm áp lực của M. Porter

Mô hình năm áp lực cạnh tranh của M. Porter

Nguồn: theo Porter (1980)

1.1. Đe dọa của các đối thủ mới (gia nhập tiềm tàng)

Đối thủ cạnh tranh tiềm tàng là những doanh nghiệp hiện ngoài ngành, hoặc mới thành lập có khả năng sẽ gia nhập thị trường. Đe dọa từ các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng phụ thuộc vào các rào cản gia nhập thấp hay cao, nhiều hay ít, thể hiện tỉ lệ nghịch (-) với các yếu tố chính sau:

  • Hiệu quả kinh tế quy mô (quy mô tối thiểu để có lợi nhuận);
  • Vốn đầu tư ban đầu, chi phí cố định;
  • Lòng trung thành với thương hiệu của khách hàng;
  • Chi phí chuyển đổi thương hiểu của khách hàng;
  • Mức độ khác biệt hoá của sản phẩm dịch vụ;
  • Mức độ khan hiếm các nguồn lực cần thiết, ví dụ nhân sự chất lượng cao …;
  • Nguồn nguyên vật liệu có bị kiểm soát bởi các doanh nghiệp hiện tại;
  • Khó khăn gia nhập hệ thống phân phối, bằng sáng chế, giấy phép sở hữu trí tuệ;
  • Chính sách của chính phủ: bản quyền, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm …

1.2. Đe dọa từ các sản phẩm dịch vụ thay thế

Là những sản phẩm từ ngành/lĩnh vực kinh doanh khác nhưng có khả năng thỏa mãn tương đối nhu cầu của khác hàng về sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. Các sản phẩm tồn tại với khả năng đáp ứng nhu cầu tương đương nhưng hiệu suất tốt hơn sẽ có khả năng thay thế tốt hơn. Ví dụ sản phẩm thay thế của gạo là bột mì, ngô, khoai, sắn; khi giá bột mì quá thấp, một bộ phận người tiêu dùng sẽ có xu hướng sử dụng nhiều hơn sản phẩm này để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng chất bột, qua đó tác động làm giảm nhu cầu các sản phẩm thay thế, gồm cả gạo. Các đe dọa thay thế tỉ lệ nghịch (-) hoặc thuận (+) với các yếu tố chính sau:

  • Lòng trung thành của khách hàng;
  • Mức độ quan hệ gần gũi của khách hàng với sản phẩm dịch vụ;
  • Chi phí chuyển đổi trong sử dụng sản phẩm thay thế;
  • Giá của các sản phẩm thay thế hay tương quan giữa giá cả và chất lượng của các mặt hàng thay thế này để đạt hiệu suất tương đương;
  • Xu hướng tiêu dùng hàng thay thế của khách hàng.

Dự đoán các mối đe dọa từ sản phẩm dịch vụ thay thế có thể được thực hiện qua hai cách: thứ nhất là tiến hành nghiên cứu chức năng sử dụng của các sản phẩm dịch vụ có thể là sản phẩm dịch vụ thay thế đối với sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp ở mức độ rộng nhất có thể; thứ hai là giám sát chặt chẽ sự xuất hiện của công nghệ sản xuất mới cho phép tạo ra sản phẩm dịch vụ ưu việt hơn cả về chức năng và chi phí, có thể thay thế tương đương hoặc thậm chí thay thế hoàn toàn và loại bỏ sản phẩm dịch vụ hiện tại của doanh nghiệp.

1.3. Quyền lực thương lượng của người mua hay khách hàng

Khách hàng có quyền đòi hỏi những điều kiện tốt nhất liên quan đến giá, chất lượng sản phẩm dịch vụ, điều khoản bán hàng… Điều đó kích thích các đối thủ chạy đua nhằm phục vụ khách hàng với các điều kiện tốt nhất, chất lượng nhất, với giá thành hợp lý nhất. Điều này hình thành quyền lực thương lượng của người mua đối với sản phẩm dịch vụ của bất kỳ doanh nghiệp nào. Quyền lực thương lượng của người mua thể hiện qua mức độ người mua có thể gây sức ép về tỷ suất lợi nhuận và số lượng sản phẩm. Quyền lực này phụ thuộc và tỉ lệ nghịch (-) hoặc thuận (+) với các yếu tố chính sau:

  • Quy mô của người mua so với doanh nghiệp;
  • Khối lượng sản phẩm mua (khi tập trung vào một nhóm khách hàng);
  • Số lượng doanh nghiệp cung cấp cùng sản phẩm dịch vụ;
  • Hiểu biết của người mua về sản phẩm dịch vụ và chi phí;
  • Tiềm lực sản xuất ra chính sản phẩm dịch vụ đó của người mua;
  • Chi phí chuyển đổi nhà cung cấp của khách hàng;
  • Sản phẩm mua chiếm tỉ trọng lớn trong chi phí đầu vào của người mua hay mang tính chiến lược đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của người mua;
  • Mức độ khác biệt hóa của sản phẩm dịch vụ và sự tồn tại của các sản phẩm dịch vụ thay thế;
  • Tỷ suất lợi nhuận và mức nhạy cảm về giá của người mua.

1.4. Quyền lực thương lượng của nhà cung ứng

Nhà cung ứng bao gồm các cá nhân và tổ chức cung cấp mọi yếu tố cần thiết là đầu vào của sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. Tương tự như khách hàng, nhà cung ứng cũng đòi hỏi những điều kiện tốt nhất liên quan tới giá bán, chất lượng, dịch vụ liên quan, điều khoản bán hàng, thanh toán… Quyền lực thương lượng của người mua thể hiện qua mức độ nhà cung cấp có thể gây sức ép về tỷ suất lợi nhuận và số lượng. Quyền lực này phụ thuộc và tỉ lệ nghịch (-) hoặc thuận (+) với các yếu tố chính sau:

  • Quy mô của nhà cung ứng so với doanh nghiệp;
  • Tầm quan trọng của sản phẩm dịch vụ đầu vào đối với doanh nghiệp;
  • Tính khác biệt hóa của sản phẩm dịch vụ đầu vào;
  • Chi phí chuyển đổi nhà cung ứng (tìm kiếm, quan hệ ….);
  • Khả năng tích hợp phía trước của nhà cung ứng sẽ tạo hiệu ứng kinh tế quy mô hoặc không chịu nhiều rào cản thâm nhập;
  • Sự phát triển ngành của doanh nghiệp phụ thuộc vào ngành của các sản phẩm đầu vào;
  • Số lượng nhà cung ứng cùng sản phẩm dịch vụ;
  • Sản phẩm thay thế của các sản phẩm dịch vụ đầu vào;
  • Tiềm lực tự sản xuất các sản phẩm dịch vụ đầu vào của doanh nghiệp.

1.5. Mức độ cạnh tranh trong ngành

Theo Porter (1980) cạnh tranh là giành lấy thị phần giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành. Bản chất của cạnh tranh là tìm kiếm lợi nhuận, là khoản lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận trung bình mà doanh nghiệp đang có. Cạnh tranh kinh tế là sự ganh đua giữa các chủ thể kinh tế nhằm giành lợi thế trong sản xuất, tiêu thụ hay tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ hay các lợi ích về kinh tế, thương mại khác để thu được nhiều lợi ích.

Áp lực thứ năm là mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành. Mức độ canh tranh cao sẽ tạo áp lực về giá, tỉ suất lợi nhuận và lợi nhuận đối với mỗi doanh nghiệp trong ngành. Mức độ này tỉ lệ nghịch (-) hoặc thuận (+) với các yếu tố chính sau:

  • Số lượng các đối thủ cạnh tranh cân bằng về quy mô, nguồn lực;
  • Các rào cản rút lui khỏi ngành: đầu tư cố định, nguồn nhân lực, rào cản xã hội và của chính phủ, yếu tố tâm lý, tình cảm;
  • Tính đa dạng của các đối thủ cạnh tranh về chiến lược, quan điểm, hành động … sẽ khó phán đoán được hành động của đối thủ để thiết lập cơ chế phản ứng;
  • Tình trạng sàng lọc trong ngành;
  • Chi phí cố định cao: doanh nghiệp tìm cách giảm chi phí/ đơn vị sản phẩm dẫn đến giảm giá tăng cạnh tranh;
  • Tăng trưởng của ngành;
  • Tính khác biệt hóa hay sản phẩm thay thế của sản phẩm dịch vụ.

2. Các biến thể mô hình sáu và bảy áp lực cạnh tranh

Một trong những biến thể điển hình của mô hình năm áp lực mô hình sáu và bảy áp lực được các nhà nghiên cứu phát triển, bổ sung thêm một số yếu tố để hình thành các mô hình mới. Mô hình sáu áp lực gồm 5 yếu tố như mô hình cũ được bổ sung thêm yếu tố Sản phẩm bổ trợ (complementary products), nhằm đánh giá tác động của các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến sản phẩm dịch vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tác dụng này phụ thuộc vào tính tương thích của sản phẩm. Tác động có thể tích cực hoặc tiêu cực, ví dụ, khi chi phí xăng dầu tăng, ngành công nghiệp giao thông công cộng có thể bị giảm lợi nhuận; vì giá xăng tăng buộc khách hàng phải tìm giải pháp thay thế như đi bộ, chia sẻ xe …

Khác với mô hình năm áp lực, Mô hình bảy áp lực bổ sung thêm hai yếu tố là Chính phủ (Government) và Lịch sử và tổ chức doanh nghiệp (History and Institutions). Yếu tố Chính phủ chủ yếu liên quan tới các quy định và luật liên quan tới cạnh tranh, thực thi chống độc quyền, các hiệp định thương mại, nguyên tắc tối huệ quốc hay các quy định về giá … trong khi yếu tố Lịch sử và tổ chức liên quan đến ràng buộc quá khứ và tác động của tổ chức nội bộ doanh nghiệp hiện tại. Nhìn chung, mô hình bảy áp lực chủ yếu bổ sung thêm yếu tố nhằm đảm bảo xác định cạnh tranh công bằng bình đẳng trong thị trường ngành.

Tựu chung lại, mô hình năm áp lực cạnh tranh cho phép các doanh nghiệp phân tích đơn giản tổng quan về các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp. Tuy nhiên, mô hình còn tồn tại một số hạn chế sau: Thứ nhất, mô hình chỉ áp dụng với thị trường có cấu trúc đơn giản. Phân tích toàn diện cả 5 yếu tố là một vấn đề khó khăn với các ngành phức tạp và có nhiều mối tương quan trong nhóm sản phẩm, phân đoạn, thị trường. Thứ hai, mô hình chỉ áp dụng với thị trường tương đối tĩnh, không phù hợp với các môi trường biến động mạnh có sự đột phá về công nghệ và sự năng động của thị trường. Mô hình năm áp lực có thể phân tích được hiện tại, tuy nhiên khó có thể đưa ra các định hướng và lời khuyên lâu dài tới tương lai. Thứ ba, mô hình chỉ thích hợp trong bối cảnh tất cả các doanh nghiệp đều cố gắng để đạt được lợi thế cạnh tranh so với đối thủ qua khách hàng hay nhà cung cấp,.. mà chưa được xem xét cụ thể khi các doanh nghiệp thường liên kết với nhau, tạo ra thông tin không hoàn hảo.

3. Phương pháp xây dựng

Mô hình năm áp lực cạnh tranh được xây dựng qua các bước cơ bản sau:

  • Bước 1: Thu thập thông tin liên quan đến năm áp lực theo các tiêu chí chính, có bổ sung các tiêu chí đặc biệt của ngành;
  • Bước 2: Phân tích đánh giá mức độ tác động của từng tiêu chí đến áp lực liên quan;
  • Bước 3: Xác định mức độ cao thấp của từng áp lực và phân tích.

Xem thêm các ví dụ phân tích doanh nghiệp thực tế tại đây.

4. Ý nghĩa và thách thức

Khi làm kinh doanh, mục đích cuối cùng mà tất cả doanh nghiệp muốn nhận được là ROI (Tỷ lệ lợi nhuận). Việc phân tích mô hình 5 áp lực cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp nhận được các lợi ích sau:

  • Phác họa bức tranh tổng thể về thị trường: thương trường rất phức tạp và thay đổi liên tục theo từng ngày với sự gia nhập của rất nhiều đối thủ mới bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt từ những đối thủ cũ. Phân tích 5 áp lực cạnh tranh giúp bạn có cái nhìn tổng thể và nghiên cứu tốt hơn.
  • Đánh giá chính xác các tiềm năng của doanh nghiệp: tự đánh giá bản thân để tìm ra thế mạnh – điểm yếu là cách tốt nhất giúp doanh nghiệp nghĩ ra chiến lược cải thiện hiệu quả và thúc đẩy phát triển nhanh hơn.
  • Định hướng phát triển sau những áp lực: sau quá trình phân tích tổng quan về thị trường và tình trạng hiện tại của doanh nghiệp, bạn sẽ hình dung rõ hơn về những cơ hội và rủi ro sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp của mình và đưa ra giải pháp điều chỉnh kịp thời để tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ.

Song song với những lợi ích mang lại, mô hình 5 áp lực cạnh tranh vẫn tồn tại nhiều thách thức khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ/startup đi sai hướng. Chính xác hơn, Porter’s Five Forces được phát triển dựa trên sự giả định về một thị trường hoàn hảo. Nhưng thực tế như Prodima đã chia sẻ, thương trường rất đa dạng và biến động không ngừng nên không bao giờ có “bức tranh” lý tưởng như vậy. Khi phân tích mô hình này, doanh nghiệp bạn nên lưu ý 2 điều sau:

  • Khi áp dụng mô hình cho một thị trường có cấu trúc đơn giản sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá chính xác về xu thế thị trường, mức độ cạnh tranh cũng như các nhóm sản phẩm.
  • Mô hình này không phù hợp với những thị trường thiên về kỹ thuật số, công nghệ hoặc có biến động mạnh. Vì kết quả sẽ không khả quan và chính xác.

Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 38 – 44.