Hiệu ứng kinh tế quy mô (economies of scale) được Wright (1936) phát triển áp dụng vào lĩnh vực sản xuất trên cơ sở hiệu ứng đường cong kinh nghiệm hay học hỏi (experience / learning curve) của Ebbinghaus (1885). Hiệu ứng kinh tế quy mô phản ánh chi phí của một đơn vị sản phẩm hay dịch vụ sản xuất giảm đi khi số lượng sản xuất tăng lên.
Các nguyên nhân dẫn đến hay bản chất của hiệu ứng kinh tế quy mô là:
- Do tính không thể chia nhỏ được trong quá trình sản xuất: khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải đầu tư một lượng chi phí cố định tối thiểu bất kế doanh nghiệp có tiến hành sản xuất hay không. Khi sản lượng sản xuất càng lớn thì chi phí cố định trên một sản phẩm giảm dần;
- Hiệu ứng đường cong kinh nghiệm tiết kiệm chi phí nhờ quá trình học hỏi và tích lũy kinh nghiệm: Năng suất lao động của người sản xuất trực tiếp hoặc của nhà quản lý tăng và chi phí trên một sản phẩm giảm khi các cá nhân học được cách thực hiện công việc một cách hiệu quả nhất. Đường cong kinh nghiệm chỉ ra việc giảm chi phí đơn vị sản xuất có tính hệ thống, xảy ra trong suốt vòng đời sản phẩm;
- Phân công lao động hay chuyên môn hóa sản xuất ở mức cao: tạo cho người lao động những kỹ năng chuyên sâu khi thực hiện 1 nhiệm vụ, nhờ đó đạt năng suất cao và giảm chi phí bình quân;
- Sự thay thế gần gũi của các yếu tố đầu vào: Quy mô sản xuất càng lớn, doanh nghiệp cần sử dụng máy móc tốt hơn, từ đó tăng năng suất sản xuất, giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm.
Tuy nhiên, các nhà quản trị chiến lược cần đặc biệt chú ý đến hiệu ứng phi kinh tế quy mô (diseconomies of scale): sau một mức sản lượng nhất định, đường chi phí trung bình lại tăng lên, điều này càng ngày càng phức tạp khi quy mô ngày càng phình to dẫn đến chi phí trên đơn vị sản phẩm tăng khi quy mô sản xuất tăng, điều này gọi là tính phi kinh tế theo quy mô. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tính phi kinh tế quy mô là do (1) đầu tư cố định lớn trong dài hạn vượt ngưỡng cho phép; và (2) quy mô càng lớn, khả năng quản lý càng bộc lộ nhiều điểm yếu kém do trình độ và năng lực của đội ngũ quản lý là có hạn.
Tính kinh tế quy mô và đường cong kinh nghiệm
Nguồn: theo Ebbinghaus (1885) và Wright (1936)
Ví dụ điển hình về tính phi kinh tế quy mô là trường hợp Volkswagen đầu tư sản xuất ô tô. Nhằm tận dụng tính kinh tế quy mô, Volkswagen đã đầu tư mở nhiều nhà máy sản xuất ô tô trên khắp châu Âu; lúc đầu chi phí giảm mạnh; công ty tiếp tục đầu tư mở nhà máy; đến một ngưỡng, Volkswagen nhận thấy rằng chi phí trên đơn vị sản phẩm bắt đầu tăng, và nhanh chóng ngừng đầu tư mở nhà xưởng.
Ví dụ khác, McDonald đạt được lợi thế kinh tế theo quy mô nhờ vào việc sản xuất hàng loạt các thực đơn giống nhau, hạ thấp chi phí sản xuất, khả năng thương lượng với nhà cung cấp giúp họ có được nguồn nguyên vật liệu đầu vào giá rẻ, từ đó giúp gia tăng lợi nhuận biên. Ngân sách quảng cáo lớn tạo nên lợi thế cạnh tranh đáng kể so với đối thủ cạnh tranh. Hiện nay, hơn 60% doanh số bán hàng của McDonald được thực hiện ngoài nước Mỹ.
Ở Việt Nam, Việt Tiến là một trong những tập đoàn dệt may đạt được nhiều lợi thế nhờ quy mô. Công ty cổ phần may Việt Tiến sở hữu 21 đơn vị may trực thuộc và nhiều nhà máy liên doanh trong nước. Cùng với dây chuyền máy móc hiện đại, Việt Tiến đã tận dụng được nguồn nhân công giá rẻ trong nước, tăng năng suất sản xuất, tiếp cận với hệ thống phân phối rộng cả trong và ngoài nước, từ đó giảm thiểu được chi phí cận biên khi khối lượng sản phẩm sản xuất ngày càng tăng.
Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương.
31 Th10 2017
11 Th12 2017
11 Th12 2017
11 Th12 2017
11 Th12 2017
9 Th12 2017