Môi trường vĩ mô của doanh nghiệp

Môi trường vĩ mô (hay môi trường xã hội) là tập hợp các yếu tố có ảnh hưởng đến các quyết định chiến lược và sự tồn tại trong dài hạn của doanh nghiệp, gồm bốn nhóm môi trường cơ bản: (i) môi trường kinh tế; (ii) môi trường chính trị – pháp luật; (iii) môi trường văn hóa xã hội; (iv) môi trường tố công nghệ; và tùy theo loại hình và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp còn chịu sự tác động của nhiều yếu tố môi trường tự nhiên, nhân khẩu học, môi trường quốc tế.

Thứ nhất là môi trường kinh tế. Sự tồn tại và thành công của doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào môi trường kinh tế, lại được cấu thành bởi 3 yếu tố: điều kiện kinh tế, chính sách kinh tế và hệ thống kinh tế.

  • Điều kiện kinh tế: là tập hợp các yếu tố có ảnh hưởng tới nền kinh tế một quốc gia như tổng sản phẩm trong nước, thu nhập bình quân đầu người, dự trữ ngoại hối, sức mạnh thị trường vốn,…mà nếu các yếu tố này tốt sẽ cải thiện tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
  • Chính sách kinh tế: Tất cả các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều bị chi phối bởi chính sách kinh tế do Chính phủ quyết định theo từng thời kỳ như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách xuất nhập khẩu,…
  • Hệ thống kinh tế: Nền kinh tế thế giới chủ yếu bị chi phối bởi ba hệ thống kinh tế là tư bản chủ nghĩa, tư bản xã hội và nền kinh tế hỗn hợp. Mỗi doanh nghiệp tại một nền kinh tế sẽ có những định hướng phù hợp để tồn tại.

Thứ hai là môi trường chính trị – pháp luật, cũng có ảnh hưởng quyết định về mặt pháp lý tới hoạt động của doanh nghiệp, gồm hệ thống chính trị, các chính sách của Chính phủ, thái độ đối với cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động được vì điều kiện xã hội cho phép, hay nói cách khác là tuân thủ các yếu tố chính trị. Sự ổn định của các yếu tố chính trị cũng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh ở mức độ khá lớn, hoặc là tạo ra cơ hội, hoặc là tạo ra thách thức.

Thứ ba là môi trường văn hóa xã hội, liên quan đến các giá trị cốt lõi được xã hội ghi nhận và có ảnh hưởng đáng kể tới sự vận hành của một doanh nghiệp. Các khía cạnh hình thành môi trường văn hoá xã hội có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các hoạt động kinh doanh như: những quan niệm về đạo đức, thẩm mỹ, về lối sống, về nghề nghiệp; những phong tục, tập quán, truyền thống; những quan tâm và ưu tiên của xã hội; trình độ nhận thức, học vấn chung của xã hội…

Thứ tư là môi trường tố công nghệ, gồm các phương pháp kỹ thuật được doanh nghiệp áp dụng để sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ của mình. Các môi trường công nghệ tại các quốc gia khác nhau sẽ ảnh hưởng tới sản phẩm tại các quốc gia đó, từ công dụng bên trong sản phẩm cho đến thiết kế bên ngoài sản phẩm. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, tốc độ thay đổi công nghệ là rất nhanh. Do đó, để tồn tại và phát triển được trên thị trường, các doanh nghiệp cần phải luôn luôn đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến công nghệ của mình để đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu khách hàng.

Ngoài ra, tùy theo loại hình và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp còn chịu sự tác động của nhiều yếu tố môi trường tự nhiên, nhân khẩu học, môi trường quốc tế.

Để phân tích môi trường vĩ mô, mô hình PEST và các biến thể của nó là công cụ phổ dụng được thừa nhận và áp dụng rộng rãi hiện nay.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 24 – 25.