Mô hình PESTLE phân tích ngành công nghiệp khai thác khí đá phiên Châu Âu

Trong thời gian gần đây, tại các nước phát triển đã bàn luận nhiều về triển vọng khai thác và sử dụng khí đá phiến. Theo một số chuyên gia, trữ lượng khí đá phiến rất lớn và có thể cạnh tranh mạnh với khí đốt thiên nhiên. Đá phiến là loại đá biến chất yếu có thể tách dễ dàng thành những tấm mỏng. Đá phiến gồm các loại đá phiến lớp, hạt mịn, đồng nhất, mặt nhẵn láng có màu đen, xám. Đá phiến bitum giàu chất hữu cơ và khí đá phiến đã được biết đến từ đầu thế kỷ XIX và ở Mỹ đã khoan khai thác đá phiến từ năm 1821.

Từ những năm 70 của thế kỷ XX, để bảo đảm an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng dầu mỏ, chính phủ Hoa Kỳ ngày càng quan tâm nhiều đến việc tìm kiếm khí trong đá phiến. Đã tiến hành công tác thăm dò và phát hiện bốn cấu tạo đá phiến lớn: Barnett, Haynesville, Fayetteville và Marcellus, phân bố trên hàng chục ngàn km vuôngvới dự báo trữ lượng khí tự nhiên rất lớn. Năm 2002 đã khai thác khí được 13 tỉ m3 và năm 2005 đạt được 23 tỉ m3; năm 2013, sản lượng khai thác khí trong các thành tạo đá phiến sét sẽ cung cấp lên đến 40% nhu cầu khí đốt ở Mỹ, từng bước thay thế cho các nguồn năng lượng truyền thống đang suy giảm.

Nhằm nghiên cứu khai thác khí đá phiến tại Châu Âu, các nhà khoa học Roux, Seaton, Gougeon và Andriosopoulo (2013) đã áp dụng mô hình PESTLE phân tích môi trường vĩ mô của ngành công nghiệp này tại 3 nước tiềm năng là Pháp, Vương quốc Anh và Balan. Kết quả nghiên cứu được trình bày tóm tắt trong bảng sau, theo thang điểm từ 1 – ít rủi ro đến điểm 6 – rủi ro cao:

Table 1: Phân tích PESTLE ngành công nghiệp khí đá phiến châu Âu

Nguồn: Roux, Seaton, Gougeon và Andriosopoulo (2013)

Tại Pháp, kết quả phân tích cho thấy, Pháp là nước có điều kiện vĩ mô kém thuận lợi nhất đối với ngành công nghiệp khai thác khí đá phiến, đặc biệt rủi ro cao về mặt xã hội và môi trường. Cụ thể:

– Rủi ro xã hội (5,1/6) đối với ngành khai thác khí đá phiến ở mức rất cao tại Pháp. Hiện đã có nhiều tổ chức, nhóm chống đối trong xã hội, cũng như các ý kiến khác nhau giữa và trong các đảng phái chính trị. Dù sao, Pháp hiện đang có lợi thế về nguồn năng lượng nguyên tử đã được khai thác và ứng dụng trong đời sống xã hội, như các nhà máy điện nguyên tử cung cấp khoảng 70% điện năng cho cả nước.

– Rủi ro môi trường (4,5/6): Có tốc độ đô thị hóa cao, với mật độ dày, đặc biệt ở khu vực Paris và các vùng lân cận Paris, vấn đề môi trường và an toàn khí thải trở thành thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành khai thác khí đá phiến.

– Rủi ro kinh tế (3,8/6): Lệnh cấm áp đặt đối với các hoạt động khí đá phiến hiện vẫn được duy trì, và nếu không thể thay đổi, rủi ro kinh tế sẽ vẫn ở mức cao.

– Rủi ro địa chính trị (2,6/6): ở mức thấp; Pháp hiện nhập khẩu 98% các loại khí thiên nhiên.

– Rủi ro công nghệ (3,32/6): Bất chấp các lệnh cấm khai thác khoan thẳng đứng, các doanh nghiệp Pháp có thể dễ dàng sở hữu công nghệ và kỹ thuật cần thiết thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác, liên doanh.

– Rủi ro pháp lý (4,5/6): Hiện ngành khai thác khí đá phiến không nhận được sự ủng hộ nào từ phía chính phủ Pháp, và không thể dự đoán được thái độ của các chính phủ kế nhiệm.

Tại Vương quốc Anh, kết quả phần tích mô hình PESTLE cho thấy:

Về rủi ro xã hội, mặc dù có sự phản đối về khai thác khí đá phiến, nhưng lợi ích của nền kinh tế Vương quốc Anh phải được ưu tiên hơn. Do đó, mức độ rủi ro xã hội từ công chúng ở mức trung bình.

Về môi trường, nước Anh thể hiện quan điểm quyết liệt trước các sự cố môi trường, liên quan đến khí đá phiến bên ngoài lãnh thổ. Vấn đề động đất và biến đổi môi trường trở nên đáng lo ngại hơn trong năm qua, nhưng đã có nhiều biện pháp được triển khai, và có lẽ sẽ không cản được việc khai thác khí đá phiến. Đánh giá của Hội Hoàng gia và Học viện Kỹ thuật Hoàng gia kết luận rằng, phương pháp khuếch tán thủy lực, sử dụng trong khai thác khí đá phiến có thể được quản lý hiệu quả.

Về kinh tế, quan sát giá nhiên liệu trong khối EU, có thể thấy tại Vương quốc Anh, giá nhiên liệu được giao dịch ở mức khá cao, trong khi nhu cầu khí tự nhiên tiếp tục tăng.

– Về địa chính trị, yêu cầu đa dạng hóa nguồn năng lượng và nâng cao an ninh năng lượng đang ngày càng trở nên cấp thiết; khi nhập khẩu nhiên liệu ngày càng tăng, và hầu hết từ Qatar.

Về công nghệ, Vương quốc Anh có lực lượng lao động giầu kinh nghiệm trong khai thác khí tự nhiên, nhưng chủ yếu liên quan đến sản xuất ở Biển Bắc và khoan trên đất liền. Tuy nhiên, Vương quốc Anh có rất nhiều kinh nghiệm trong hợp tác khai thác khí và dầu.

Về pháp luật, Vương quốc Anh là nước công nghiệp phát triển, và có hệ thống pháp luật vững mạnh. Chính phủ gần đây đã chấp nhận phương pháp khuếch tán thủy lực, sử dụng trong khai thác khí đá phiến, tại Vương quốc Anh.

Tại Ba Lan, kết quả phân tích mô hình PESTLE cho thấy:

Về xã hội, công chúng không thực sự hỗ trợ, nhưng cũng không phản đối mạnh mẽ, mặc dù có sự quan ngại đáng kể đối với những sự cố môi trường ngoài Ba Lan.

Vấn đề môi trường chủ yếu liên quan đến mong muốn của Chính phủ Ba Lan muốn phát triển nhanh ngành công nghiệp này trong nước, sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài.

Rủi ro kinh tế liên quan đến sự bất ổn trong các quyết định về cấu trúc thuế. Một số đảng chính trị gây áp lực nhằm giảm sự tham gia từ nước ngoài, tăng cường yếu tố nội địa trong hoạt động khai thác khí đá phiến.

Về địa chính trị, Chính phủ Ba Lan từ lâu đã coi đa dạng hóa năng lượng là vấn đề chiến lược, nhằm giảm sự phụ thuộc nhập khẩu dầu và khí từ Nga. Mặc dù vậy, sự phụ thuộc lớn vào nước ngoài này cũng có thể gây ra một số quan ngại đáng kể khi phát triển ngành công nghiệp khí đá phiến..

Rủi ro kỹ thuật khá cao, Ba Lan hiện còn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này; đòi hỏi phải có sự hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp nước ngoài để nâng cao kỹ năng và kiến thức công nghệ.

Về pháp luật, quá trình xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động khai thác khí đá phiến đang được tiến triển. Tuy nhiện, hệ thống hành chính của Ba Lan khá nặng nề và ì trệ, đòi hỏi sự hỗ trợ đáng kể từ chính phủ để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Khái quát lại, theo phân tích PESTLE, rủi ro xã hội là vấn đề quan ngại nhất đối với quá trình phát triển khai thác khí đá phiến tại Châu Âu. Mức độ rủi ro xã hội của hoạt động này phụ thuộc chủ yếu vào cách mà công chúng nhận thức về lợi ích và ảnh hưởng môi trường của nó. Do đó, tương lai của ngành công nghiệp này phụ thuộc vào các giải pháp cần được triển khai từ thời điểm hiện tại, nhằm thay đổi định kiến và xử  lý các rủi ro xã hội và môi trường có thể phát sinh từ hoạt động khai thác khí đá phiến tại Châu Âu.