Quan hệ giữa đa dạng hóa với năng lực và hiệu suất doanh nghiệp

Trong khi các nghiên cứu đều đồng thuận rằng năng lực cốt lõi là nền tảng của chiến lược đa dạng hóa; các học giả lại tìm ra các kết quả mẫu thuẫn nhau về tác động của đa dạng hóa và hiệu suất của doanh nghiệp.

1. Đa dạng hóa và năng lực của doanh nghiệp

Nhìn chung, các học giả đều đồng quan điểm rằng năng lực cốt lõi (core competence) – sự thành thạo về chuyên môn, kỹ năng trong lĩnh vực kinh doanh chính, trực tiếp mang lại lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ (Prahalad và Hamel, 1990) – của doanh nghiệp là trợ điểm cơ bản, đảm bảo thành công cho các hoạt động kinh doanh đa dạng hóa. Năng lực cốt lõi được xây dựng nên từ 4 tiêu chuẩn: có giá trị, có tính khác biệt, khó bị sao chép và khó có thể trao đổi được (Barney, 1991).

Wang Jiang (2007), dựa trên nghiên cứu của Prahalad và Hamel (1990), coi năng lực cốt lõi là nền tảng để thực hiện đa dạng hóa; nghĩa là các doanh nghiệp nên đa dạng trên cơ sở kết hợp các năng lực cốt lõi, chứ không chỉ tập trung sản phẩm – dịch vụ cụ thể. Sự kết hợp này, dù dưới hình thức “đa dạng hóa” hay “tập trung hóa”, về bản chất vẫn dựa trên năng lực cốt lõi của doanh nghiệp.

Tương tự, Cao Yanai (2009) tin rằng các doanh nghiệp lựa chọn thực hiện đa dạng hóa hoặc chuyên môn hóa chủ yếu căn cứ vào năng suất và tính linh động của năng lực cốt lõi. Cụ thể, với năng lực cốt lõi mạnh nhưng kém linh động, doanh nghiệp nên áp dụng chiến lược chuyên môn hóa và đa dạng hóa liên quan. Ngược lại, với năng lực cốt lõi vừa mạnh vừa linh động, doanh nghiệp có thể lực chọn chiến lược chuyên môn hóa, đa dạng hóa liên quan và cả không liên quan. Điều này khẳng định năng lực cốt lõi có vai trò tiên quyết trong lựa chọn chiến lược đa dạng hóa của doanh nghiệp.

Wang Wangyu (2009) cũng đồng thuận về tác động của năng lực cốt lõi đến chiến lược đa dạng hóa của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phát triển các nguồn lực quản lý quan trọng, khả năng chuyển giao năng lực cạnh tranh cốt lõi (core competitiveness) từ ngành hiện tại sang ngành mục tiêu. Năng lực cạnh tranh cốt lõi là linh hồn cho chiến lược đa dạng hóa của doanh nghiệp.

Yanqing (2014) cũng chỉ ra năng lực cốt lõi là yếu tố phụ thuộc nội bộ và cơ sở của hoạt động đa dạng hóa trong doanh nghiệp; và đa dạng hóa lại trở thành động lực để củng cố năng lực cốt lõi. Các hoạt động đa dạng hóa và năng lực cốt lõi nên được tổ chức tích hợp cùng nhau; cùng phát triển trên cơ sở năng lực cốt lõi của doanh nghiệp.

Như vậy, đa dạng hóa thành công phải dựa trên năng lực cốt lõi của doanh nghiệp; năng lực cạnh tranh cốt lõi có vai trò trung gian điều tiết quan hệ giữa mức độ đa dạng hóa và hiệu suất của doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh cốt lõi khi triển khai áp dụng và phát triển phải dựa trên hoạt động quản trị đa dạng hóa hiệu quả (Sun Lei, 2005). Năng lực cạnh tranh cốt lõi chính là trung tâm của chiến lược đa dạng hóa của doanh nghiệp.

2. Đa dạng hóa và hiệu suất doanh nghiệp

Đánh giá về tác động của chiến lược đa dạng hóa hay quan hệ giữa mức độ đa dạng hóa và hiệu suất doanh nghiệp, hiện có bốn quan điểm khác nhau. Cụ thể:

Thứ nhất, nhiều học giả chỉ ra rằng mức độ đa dạng hóa càng cao thì hiệu suất doanh nghiệp càng cao. Cụ thể, Varadarajan (1986) chỉ ra rằng khi số lượng sản phẩm càng lớn, đồng nghĩa với mức độ đa dạng hóa càng cao thì hiệu suất của doanh nghiệp càng tốt. John và Ofek (1995) nghiên cứu mẫu ngẫu nhiên 321 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên nhiều các lĩnh vực khác nhau và khẳng định rằng: các doanh nghiệp đa dạng hóa không liên kết (Unrelated diversification) – phát triển thị trường, sản phẩm vượt quá năng lực của mình – có lợi nhuận tăng vượt bậc so với các doanh nghiệp không thực hiện. Nghiên cứu của Amit và Livnat (1988) cũng đưa ra một kết luận tương tự về tác động tích cực của đa dạng hóa đến hiệu suất doanh nghiệp, làm giảm biến động dòng tiền, giảm rủi ro trong hoạt động kinh doanh và kết quả tất yếu là nâng cao hiệu suất doanh nghiệp. Theo Li và Kami (2010), đa dạng hóa có thể hình thành một thị trường vốn nội bộ, cho phép cắt giảm chi phí huy động vốn, từ đó cải thiện hiệu suất chung của doanh nghiệp.

Thứ hai, một số học giả cho rằng mức độ đa dạng hóa có tác động tiêu cực đến hiệu suất của doanh nghiệp. Dưới góc độ của nhà đầu tư, Comment và Jarrel (1995) chứng minh rằng đa dạng hóa không có tác động tích cực cho hiệu suất của đoanh nghiệp, ngược lại, mức độ đa dạng hóa càng cao thì khả năng hoàn vốn của các loại cổ phiếu càng thấp. Doukas và cộng sự (2002), nghiên cứu mẫu 100 doanh nghiệp Thụy Điển, phát hiện ra rằng mua bán và sáp nhập các lĩnh vực kinh doanh không liên quan thiếu chọn lọc làm suy giảm hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp. Nghiên cứu ngành công nghiệp bảo hiểm tài sản Mỹ, Li Benberg (2008) chỉ ra rằng các doanh nghiệp chuyên ngành đạt hiệu quả cao hơn các doanh nghiệp đa dạng hóa.

Thứ ba, một số nghiên cứu lại chỉ ra rằng mức độ đa dạng hóa có tác động không đáng kể đến hiệu suất doanh nghiệp. Ravenscraft (1987) không tìm ra quan hệ rõ ràng nào giữa chỉ số HHI và tỷ số lợi nhuận gộp của doanh nghiệp. Montgomery (1985) kết luận rằng các doanh nghiệp có mức độ đa dạng hóa cao hơn có tỷ suất lợi nhuận đầu tư thấp hơn so với các doanh nghiệp không hoặc ít đa dạng hóa. Tuy nhiên, dưới tác động của công nghệ, mối quan hệ này không rõ ràng, yếu tố đa dạng hóa không tác động đáng kể đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Ferris và công sự (2002) cũng cho rằng không thể khẳng định mối quan hệ tuyệt đối giữa mức độ đa dạng hóa và hiệu suất doanh nghiệp, do đó các nhà quản trị cần căn cứ vào nguồn lực và cơ hội tăng trưởng trong mỗi thời kì để đánh giá nên đa dạng hóa hay không.

Thứ tư, một số học giả tìm ra rằng mức độ đa dạng hóa và hiệu suất doanh nghiệp có quan hệ phi tuyến tính hình chữ “U” ngược. Theo Markides (1995), khi mức độ đa dạng hóa ngày càng tăng thì lợi ích cận biên của doanh nghiệp càng giảm. Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu của Palich, Cardinal và Miller (2000).

Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương.