Chiến lược quan hệ (Relational view): lịch sử và nội dung chính

Trong bối cảnh kinh tế hội nhập, thị trường không ngừng biến động và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp luôn phải khai thác tối đa các nguồn lực sở hữu, đồng thời nắm bắt cơ hội và phát triển các nguồn lực tiềm năng của mình. Để đạt lợi nhuận kỳ vọng và thích ứng nhanh chóng với nhu cầu và cạnh tranh của thị trường, các doanh nghiệp hiện đại có xu hướng thay đổi hành vi, từ định hướng giao dịch sang định hướng quan hệ. Định hướng chiến lược quan hệ này cho phép doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn lực cần thiết hơn, cũng như tiết kiệm tối đa chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh và theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn.

1. Lịch sử hình thành và phát triển

Chiến lược quan hệ ra đời, theo quan điểm lý luận học thuyết quan hệ, khẳng định tầm quan trọng của các mối quan hệ kinh doanh; là cơ sở lý luận vững chắc cho các nhà quản lý trong nghiên cứu, xác định và phát triển lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên cơ sở xây dựng mối quan hệ bền vững, đôi bên cùng có lợi. Kế thừa những nền tảng cốt lõi của học thuyết dựa trên nguồn lực (Barney, 1991), học thuyết quan hệ được nghiên cứu bởi Cook (1977) và được Dyer và Singh (1998) hoàn thiện, nhận định các giá trị bền vững của doanh nghiệp được tích lũy từ các nguồn lực có giá trị, không dễ bị thay đổi hay bắt chước, tạo nên điểm khác biệt của doanh nghiệp khi cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu của quan điểm dựa trên nguồn lực đã bỏ qua thực tiễn doanh nghiệp tồn tại như một đơn vị độc lập trong nền kinh tế, cần có những trao đổi và các mối quan hệ để duy trì hoạt động kinh doanh. Nói cách khác, các quan điểm trước đó không giải thích vì sao doanh nghiệp có thể đạt được lợi thế cạnh tranh từ và trong các mối quan hệ của mình như thế nào.

Bổ sung cho hạn chế này của học thuyết nguồn lực, học thuyết trao đổi xã hội của Emerson (1976) đã bổ trợ và làm rõ lợi ích doanh nghiệp có thể thu được từ các mối quan hệ chiến lược và bền vững. Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp thường chuyên doanh vào một số lĩnh vực và khó có thể cùng lúc sở hữu tất cả những nguồn lực cần thiết. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải trao đổi thông tin và nguồn lực với các bên khác trên thị trường. Hoạt động trao đổi này tiềm ẩn những rủi ro không mong muốn, và để giảm thiều những bất ổn này, doanh nghiệp thường tìm kiếm và xây dựng các mối quan hệ chuyên sâu và bền vững, nhằm thoát khỏi những ràng buộc hay nhược điểm của cơ chế thị trường (Dyer và Singh, 1998).

2. Nội dung chính của chiến lược quan hệ

Lợi thế cạnh tranh được hiểu là những lợi thế không chỉ giúp doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt vượt trội so với các đối thủ cùng ngành mà còn khẳng định sự tồn tại và phát triển lâu dài của doanh nghiệp trước những biến động không ngừng của môi trường kinh doanh. Để có được lợi thế cạnh tranh bền vững, Porter (1990) chỉ ra rằng doanh nghiệp phải sở hữu một trong hai lợi thế: chi phí thấp hoặc khác biệt, trên cơ sở các nguồn lực có giá trị, khan hiếm, không dễ dàng bị thay thế hay bắt chước bởi đối thủ (Barney, 1991).

Giả định các doanh nghiệp vận hành trong các mối quan hệ tự do trên thị trường, nơi người mua và người bán tự do giao dịch theo cơ chế thị trường, không tồn tại các giá trị quan trọng để tạo ra lợi tức, đối thủ sẽ dễ dàng bắt chước, thay thế và biến các giá trị ấy thành nguồn lực của họ. Khi đó, để đảm bảo lợi ích của mình, doanh nghiệp phải thiết lập các mối quan hệ sinh lợi tức với một chuỗi hay cặp đối tác trên thị trường, hình thành nên lợi thế cạnh tranh đôi bên cùng sở hữu và hưởng lợi. Lợi tức quan hệ ra đời gắn liền với khái niệm “siêu lợi nhuận” được tạo ra từ quan hệ trao đổi có tính đặc thù giữa các đối tác là đồng mình của nhau (Dyer và Singh, 1998).

Theo quan điểm của học thuyết quan hệ, các mạng lưới quan hệ của doanh nghiệp là các đơn vị đóng vai trò phân tích, lý giải sự tồn tại và phát triển của các mối quan hệ sinh lợi tức (Dyer và Singh, 1998). Các quan hệ này có thể được nhìn nhận đa chiều và đa dạng trên thị trường, như giữa các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng, giữa các nhà phân phối và đại lý độc quyền,… Trên cơ sở các hoạt động từ chiến lược đến chuyển giao quy trình, công nghệ và các thủ tục, lợi ích giữa các đối tác liên quan bị ràng buộc chặt chẽ, hình thành cơ chế đồng sở hữu và hưởng lợi. Từ thời điểm này, các mối quan hệ sinh lợi tức trở thành nguồn lực gốc rễ của lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Dyer và Singh (1998) hệ thống hóa quy trình tạo ra lợi nhuận giữa các doanh nghiệp; và xác định bốn nguồn lợi tức quan hệ, gồm: đầu tư vào tài sản quan hệ đặc thù, thông lệ vận hành (routines) chia sẻ kiến thức giữa các doanh nghiệp, sự kết hợp các nguồn lực bổ trợ và hệ thống quản trị hiệu quả. Các doanh nghiệp có thể đạt được siêu lợi nhuận từ các mối quan hệ đặc thù với đối tác theo các các quy trình này. Trong khi đó, các mối quan hệ tự do trên thị trường (arm’s length market relationships), do chỉ là các môi quan hệ thông thường giữa người mua và người bán, không có giá trị quan trọng tạo ra lợi tức, vì các đối thủ có thể dễ dàng bắt trước hay có được. Động lực để các bên cùng nỗ lực quan hệ là lợi tức các bên cùng nhau tạo ra và cùng sở hữu. Lợi tức quan hệ vì vậy, gắn liền với chuỗi, mạng lưới hoặc tối thiểu cặp đối tác. Lợi tức quan hệ được Dyer và Singh (1998) định nghĩa là: “Siêu lợi nhuận được các bên cùng tạo ra từ quan hệ trao đổi, vốn không thể được tạo ra bởi một doanh ngiệp đơn lẻ, mà phải thông qua những đóng góp chung có tính đặc thù cao của các bên đối tác cụ thể” (trang 662). Lợi tức quan hệ là một phần của mạng lưới các doanh nghiệp hoặc các doanh nghiệp hợp tác với nhau.