Nguồn gốc lợi nhuận doanh nghiệp từ đâu?

Lợi nhuận, trong kinh tế học, là phần tài sản mà nhà đầu tư nhận thêm nhờ đầu tư sau khi đã trừ đi các chi phí liên quan đến đầu tư đó, bao gồm cả chi phí cơ hội; là phần chênh lệch giữa tổng doanh thu và tổng chi phí. Trong kinh tế học cổ điển và kinh tế của Marx, lợi nhuận là một phần thu về của chủ sở hữu từ (1) tư liệu sản xuất hoặc các nguồn tài nguyên thiên nhiên được sử dụng trong bất cứ hoạt động sản xuất có sử dụng lao động, hoặc (2) khoản thu từ trái phiếu, cổ phần và các khoản tiền đầu tư trên thị trường tài chính.

Với doanh nghiệp, lợi nhuận là khoản chênh lệch giữa tổng thu và tổng chi (các chi phí minh bạch và tiềm ẩn). Doanh nghiệp phải trả những chi phí minh bạch, như phí thuê, mua các phương tiện, nguồn lực cần thiết (nhân viên, nguyên vật liệu …) hay các chi phí liên quan pháp luật như thuế, bảo hiểm …. Trong thị trường cạnh tranh hoàn hảo mà ở đó rủi ro bị loại bỏ, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ dương (> 0) trong ngắn hạn. Lợi nhuận dương này thu hút các đầu tư hay doanh nghiệp khác thâm nhập vào cùng lĩnh vực hoạt động, từ đó làm giảm lợi nhuận của mọi doanh nghiệp. Cụ thể, một doanh nghiệp mới gia nhập thị trường sẽ làm tăng cung, doanh nghiệp này sẽ có xu hướng đưa ra mức giá thấp hơn các doanh nghiệp khác để lôi kéo khách hàng mua các sản phẩm của mình. Tiếp đó, các doanh nghiệp hiện tại trên thị trường bị mất khách hàng sẽ buộc phải giảm giá bán cho phù hợp với mức giá thấp mà doanh nghiệp mới cung cấp. Các doanh nghiệp mới khác sẽ tiếp tục gia nhập ngành này cho đến khi giá của sản phẩm được hạ xuống tới chi phí bình quân xã hội để sản xuất các sản phẩm, khi đó, lợi nhuận sẽ bằng 0. Như vậy, về dài hạn, sự thâm nhập của các doanh nghiệp mới làm giảm lợi nhuận dần về 0, khi đó thị trường đạt trạng thái cân bằng dài hạn. Đây chính là tư tưởng cho rằng tư bản chủ nghĩa sẽ sụp đổ.

Tuy nhiên, môi trường cạnh tranh thường không hoàn hảo, một vài quyền sở hữu cá biệt sẽ luôn mang lại cho doanh nghiệp vị thế tránh sự cạnh tranh trong ngắn hạn với các đối thủ khác. Cũng như, doanh nghiệp chỉ thu được các khoản chênh lệch từ các chi phí ẩn đầu tư của mình, như chi phí nghiên cứu & phát triển, xây dựng thương hiệu, danh tiếng …. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể thu được lợi nhuận bền vững trong dài hạn (Kœnig, 1998). Cụ thể, có 5 nguồn gốc cơ bản tạo ra lợi nhuận, gồm:

Thứ nhất là sự không hoàn hảo của thị trường (market failure). Trong thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, doanh nghiệp được bảo vệ bởi các rào cản chống lại sự thâm nhập của các doanh nghiệp mới (new entrants), từ đó đảm bảo lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong ngành. Đây được gọi là “lợi nhuận độc quyền” (monopoly profit). Lợi nhuận này là nguồn thu từ độc quyền sở hữu của doanh nghiệp (chủ doanh nghiệp) đối với tư liệu sản xuất hay nguồn lực nào đó như tài sản, đất đai, nhẵn hiệu, giấy phép, bí quyết… Nói cách khác, lợi nhuận này bắt nguồn từ khả năng của doanh nghiệp chỉ phải trả một giá rẻ hơn cho một vài phương tiện, nguồn lực so với giá mà các doanh nghiệp khác phải trả trong cạnh tranh hoàn hảo.

Nguồn gốc thứ hai của lợi nhuận là từ rủi ro (risk). Knight (1921) phân biệt hai loại rủi ro. Một là rủi ro có thể đo lường, vừa mang tính tích cực, vừa mang tính tiêu cực, gắn liền với sự mạo hiểm, và có thể tính toán bằng các công thức xác suất. Loại rủi ro có thể mang đến những tổn thất mất mát nhưng cũng có thể mang lại những lợi ích, những cơ hội cho doanh nghiệp. Lợi nhuận được tính căn cứ vào những đánh giá ưu tiên hay thực nghiệm trải qua của doanh nghiệp và hoặc những người ra quyết định trong doanh nghiệp. Hai là rủi ro thực sự theo đúng nghĩa của nó, hay những rủi ro không thể tính toán, ước tính được; đó là sự không may mắn, sự tổn thất mất mát, tổn thất về tài sản hay là sự giảm sút lợi nhuận thực tế so với lợi nhuận dự kiến của doanh nghiệp; là những bất trắc ngoài ý muốn xảy ra trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đến sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp. Nhưng chính loại rủi ro này là “nguồn lợi nhuận thuần thực sự”, đem lại “lợi nhuận ngoài dự tính” (windfall profits) cho doanh nghiệp vì không thể dự tính chúng chính xác được; ví dụ những thay đổi của khách hàng, doanh nghiệp không thể dự đoán trước được nhu cầu khách hàng. Lợi nhuận có nguồn gốc từ rủi ro thực sự này được coi là thù lao cho những mạo hiểm rủi ro mà doanh nghiệp gánh chịu. Mặc dù, cách tiếp cận lợi nhuận qua rủi ro còn nhiều tranh cãi về định nghĩa phạm vi áp dụng, nhưng thực tế cho thấy, các khoản đầu tư có xác suất rủi ro cao thường mang đến lợi nhuận nhiều hơn các khoản đầu tư an toàn.

Thứ ba là đổi mới, sáng tạo (innovation). Nhiều nhà kinh tế, như Schumpeter (1912), cho rằng “sáng tạo đổi mới là nguồn duy nhất tạo ra lợi nhuận”. Trong kinh doanh, đổi mới là chất xúc tác cho sự tăng trưởng. Nhà kinh tế học Joseph Schumpeter, người đã đóng góp rất nhiều cho việc nghiên cứu về phạm trù đổi mới và sáng tạo (innovation), cho rằng các ngành công nghiệp phải không ngừng cách mạng hóa cơ cấu từ bên trong, đổi mới với quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm tốt hơn hay một cách hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp cũng cần phải liên tục tìm kiếm và áp dụng những phương pháp, ý tưởng, dây chuyền sản xuất, công nghệ mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng về chất lượng, độ bền sản phẩm, dịch vụ và giá cả hợp lý. Các phát minh, ứng dụng này không chỉ góp phần giảm chi phí đối với doanh nghiệp nhờ ứng dụng phương pháp sản xuất, tổ chức hiện đại và tối ưu, mà còn cho phép tăng doanh thu qua hoạt động kinh doanh các sản phẩm mới hay áp dụng phương pháp kinh doanh tiên tiến, hiệu quả hơn. Lợi nhuận thu trực tiếp thu về là thù lao cho những nỗ lực của doanh nghiệp đã hoàn thành một chức năng đặc biệt là sáng tạo và đổi mới.

Thứ tư, theo quan điểm của Ricardo, lợi nhuận có thể thu được từ khan hiếm. Nguồn lực của mỗi doanh nghiệp xét ở mức độ nhất định, không phải lúc nào cũng ở trong trạng thái dồi dào; có những nguồn lực rất hữu hạn so với nhu cầu của con người trên thị trường. Khi doanh nghiệp tận dụng được sự vượt trội của nguồn lực khan hiếm vào việc sản xuất kinh doanh sẽ đạt được lợi thế so với đối thủ cạnh tranh, và lợi nhuận được tạo ra có thể cao hơn thông thường.

Thứ năm, bán lợi nhuận được định nghĩa là sự khác biệt giữa giá trị đầu vào của nguồn lực và giá trị được tạo ra từ việc doanh nghiệp sử dụng nguồn lực đó. Khi doanh nghiệp có tính đặc thù cao với quyền sở hữu, kiểm soát nguồn lực, khả năng để chuyển đổi nguồn lực cũng vì thế trở nên hạn chế hơn; nhờ đó tạo ra sự khan hiếm và độc quyền tạm thời để thu được lợi nhuận trên thị trường. Đây là nguồn gốc lợi nhuận phổ biến mà các doanh nghiệp ngày nay hướng tới.

 

Nguồn: Mai Thanh Lan, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hoàng Việt, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Hoàng Quy, Phan Thanh Tú (2019), Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Thống kê, trang 20 – 30.