Quyết định chiến lược và quyết định chiến thuật trong doanh nghiệp

1. Quyết định chiến lược

Chiến lược gắn liền với việc ra các quyết định chiến lược, liên quan đến tương lai dài hạn, đến môi trường tổng thể, đến mọi nguồn lực và con người liên quan đến doanh nghiệp. Quyết định chiến lược bao gồm việc lựa chọn vị trí trong ngành kinh doanh, xác định phạm vi hoạt động, xây dựng lợi thế cạnh tranh, đề ra kế hoạch phát triển và định hình giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Nhìn chung, các quyết định chiến lược tập trung vào các yếu tố tổng thể và chiến lược hơn là các hoạt động thường niên và cụ thể trong doanh nghiệp.

Các quyết định chiến lược có một số đặc điểm đáng chú ý sau (Johnson và các cộng sự, 2005):

  • Về bản chất, việc đưa ra các quyết định mang tính chiến lược khá phức tạp. Sự phức tạp này là đặc trưng của chiến lược và các quyết định chiến lược, đặc biệt tại các doanh nghiệp có phạm vi hoạt động trên địa bàn rộng như các công ty đa quốc gia, hoặc nhiều chủng loại sản phẩm và dịch vụ.
  • Các quyết định chiến lược thường liên quan đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Câu hỏi mà các nhà chiến lược doanh nghiệp thường xuyên được đặt ra là có nên tập trung vào lĩnh vực này, vào một hay nhiều lĩnh vực? hoặc các câu hỏi về kinh doanh, phát triển các dòng sản phẩm? tấn công hay phòng thủ thị trường, khu vực nào?
  • Các quyết định chiến lược thường nhằm đạt được lợi thế nào đó trong cạnh tranh.
  • Việc đưa ra các quyết định chiến lược đôi khi được thực hiện trong những tình huống không chắc chắn hay bất ổn về điều kiện, kết quả tương lai.
  • Các quyết định chiến lược có ảnh hưởng lớn đến hoạt động nghiệp vụ trong doanh nghiệp, bởi 2 nguyên nhân: Thứ nhất, nếu các hoạt động nghiệp vụ không theo đúng chiến lược đã đề ra thì chiến lược đó sẽ không thể thành công được; Thứ hai, ở cấp độ nghiệp vụ, doanh nghiệp có thể sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh chiến lược.
  • Các quyết định chiến lược đòi hỏi hoạt động quản lý tích hợp tổng thể doanh nghiệp. Các nhà quản lý ở các cấp khác nhau phải giải quyết các vấn đề mang tính chiến lược, có liên quan hoặc phải kết hợp giữa nhiều bộ phận với nhau trên cơ sở đạt được sự đồng thuận và hợp tác với các nhà quản lý khác, vốn có thể có quyền lợi và mục đích khác nhau.
  • Các nhà quản lý cũng phải duy trì và phát triển các mối quan hệ cũng như mạng lưới quan hệ với các đối tác bên ngoài doanh nghiệp, như với các nhà cung cấp, phân phối, khách hàng…
  • Các quyết định chiến lược thường liên quan đến sự thay đổi trong dài hạn của doanh nghiệp, do vậy thường rất khó được chấp nhận vì sức ỳ về vận hành, nguồn lực và văn hóa của tổ chức.

2. Quyết định chiến thuật

Về bản chất, các quyết định chiến lược khác biệt so với các quyết định chiến thuật về phạm vi tác động và thời gian hiệu lực. Quyết định chiến lược hướng tới các mục tiêu dài hạn và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động và tồn vong của doanh nghiệp, tập trung vào tìm kiếm cơ hội mới, định hướng sản phẩm hoặc dịch vụ và thị trường mục tiêu của doanh nghiệp. Đồng thời, quyết định chiến lược liên quan đến phân bổ và cam kết nguồn lực dài hạn đối với các hoạt động cụ thể của doanh nghiệp. Do đó, để đưa ra các quyết định chiến lược, đòi hỏi nhà quản trị phải có sự hiểu biết sâu sắc về thị trường, xu hướng ngành cũng như điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp.

Phân tích ví dụ quyết định chiến lược của hãng hàng không giá rẻ hàng đầu thế giới, Southwest Airlines, khi quyết định đầu tư chỉ mua máy bay Boeing 737s, thay vì trang bị dòng Airbus A 330s; mặc dù vẫn đầu tư nâng cấp một số sân bay để đón các chuyến bay Airbus này. Thực tế, Airbus là dòng vận tải hàng không thương mại cỡ lớn, trong khi Boeing không theo đuổi chiến lược này. Trong khi thị trường – khách hàng đô thị, với hạn chế về tầm bay, tần suất bay hơn là số lượng hành khách trên một chuyến bay, lại là mục tiêu trọng điểm của Southwest Airlines, do đó dòng Boeing phù hợp hơn dòng Airbus thường hiệu quả với tầm bay xa và số lượng khách lớn trên một chuyến bay. Quyết định của Southwest Airlines là quyết định chiến lược vì ảnh hưởng dài hạn của nó đến cả 3 bên, đặc biệt của chính hãng khi xác định tiếp tục cam kết tương lai vào thị trường đô thị và dòng Boeing.

Trái lại, các quyết định chiến thuật là những quyết định tức thời, nhằm hỗ trợ thực hiện các quyết định chiến lược. Những quyết định này được đưa ra để giải quyết các vấn đề ngắn hạn và cần thiết cho hoạt động kinh doanh, thường liên quan đến giá cả, khuyến mãi, quản lý hàng tồn kho …; và không có tác động đáng kể đến định hướng dài hạn; nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Để đưa ra quyết định chiến thuật phù hợp, các nhà quản trị phải hiểu rõ hành vi khách hàng, xu hướng thị trường và bối cảnh cạnh tranh hiện tại. Ví dụ, một đại lý ô tô quyết định giảm giá bán tại một khu vực cụ thể và trong một khoảng thời gian nhất định nhằm tăng doanh thu và thu hút khách hàng, có thể xem là một quyết định chiến thuật. Tương tự, các quyết định tập trung vào phát triển kế hoạch như thúc đẩy sự đổi mới trong doanh nghiệp, chương trình khuyến mại … thường là các quyết định chiến thuật hơn là chiến lược.

Về vai trò trong doanh nghiệp, quyết định chiến lược và chiến thuật có tầm quan trọng khác nhau, và cẩn được phối kết hợp linh động để đạt được các mục tiêu kinh doanh đã đề ra. Các quyết định chiến lược cung cấp cơ sở, định hướng cho quá trình đưa ra các quyết định chiến thuật. Trong khi, các quyết định chiến thuật đóng vai trò quan trọng thúc đẩy và hỗ trợ quá trình thực thi chiến lược của doanh nghiệp. Do đó, các nhà quản trị cần hoạch định chiến lược rõ ràng và hợp lý để định hướng và phát triển các kế hoạch chiến thuật phù hợp nhằm liên tục thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp.