Vai trò, chức năng nhiệm vụ của quản trị chiến lược doanh nghiệp

Quản trị chiến lược có vai trò quan trọng, là xương sống của mọi quản trị chuyên ngành trong doanh nghiệp, góp phần xây dựng một hệ thống quản lý bài bản, chuyên nghiệp, và được vận hành tốt. Quản trị chiến lược không chỉ gắn liền với hệ thống quản trị ở cấp doanh nghiệp mà còn bao trùm tất cả các quản trị chức năng. Đây là một hoạt động diễn ra liên tục để xác lập và duy trì phương hướng chiến lược và hoạt động kinh doanh của một tổ chức; quá trình ra quyết định hàng ngày để giải quyết những tình huống đang thay đổi và những thách thức trong môi trường kinh doanh. Như một phần trong ý tưởng chiến lược về phát triển hoạt động kinh doanh, nhà chiến lược phải vạch ra một phương hướng cụ thể, tuy nhiên những tác động tiếp đó về mặt chính sách (như doanh nghiệp có mục tiêu hoạt động mới) hoặc tác động về mặt kinh doanh (như nhu cầu về sản phẩm tăng cao) sẽ làm phương hướng hoạt động của doanh nghiệp thay đổi theo chiều khác. Khi đó, nhà chiến lược sẽ phải quyết định xem nên có những hành động điều chỉnh để đi đúng hướng đã định hay đi theo một hướng mới. Tương tự như vậy, nó cũng liên quan đến cách điều hành doanh nghiệp nếu các mối quan hệ với các đối tác thay đổi.

Các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới chỉ ra rằng doanh nghiệp triển khai quản trị chiến lược tốt đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn so với các doanh nghiệp không triển khai quản trị chiến lược. David (1997) tin rằng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện đáng kể nhờ quản trị chiến lược tốt. Việc triển khai quản trị chiến lược từ khâu hoạch định, thực hiện và đánh giá chiến lược tạo thuận lợi cho phép tổ chức hoạt động một cách hiệu quả hơn. Thông qua xác định mục tiêu và kế hoạch dài hạn của doanh nghiệp, quản trị chiến lược đưa ra định hướng, tăng cường phối hợp và kiểm soát các hoạt động của tổ chức. Chiến lược của doanh nghiệp cung cấp định hướng cho các hoạt động của tổ chức và hướng đến đội ngũ nhân sự làm việc trong tổ chức đó (Arasa và K’Obonyo, 2012). Ngoài ra, một mục đích khác của quản trị chiến lược là hướng dẫn tổ chức trong quá trình đưa ra ý định chiến lược, cũng như các vấn đề cần ưu tiên trong quá trình triển khai chiến lược.

Porter (1980) cho rằng phân tích khách quan môi trường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp tạo thuận lợi cho việc cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp và hỗ trợ đắc lực quá trình đưa ra các quyết định quan trọng của các nhà quản lý cấp cao. Ngoài ra, việc xác định các vấn đề chiến lược, phân tích chiến lược và lựa chọn chiến lược giúp doanh nghiệp phân bổ hiệu quả các nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững và đóng góp đáng kể vào công tác cải tiến đổi mới trong doanh nghiệp. Đồng thời, quản trị quá trình thực hiện chiến lược, đánh giá và kiểm soát chiến lược cho phép chiến lược được thực hiện trơn tru và theo đúng kế hoạch doanh nghiệp đã đề ra.

Như vậy, quản trị chiến lược doanh nghiệp và hiệu quả sản xuất kinh doanh có mối liên hệ mật thiết với nhau. Các nhà quản lý xây dựng chiến lược nhằm xác định các mục tiêu và mục đích căn bản, dài hạn và cách thức hành động cũng như phân bổ các nguồn lực cho phép doanh nghiệp đạt được hiệu quả sản xuất kinh doanh cao. Đồng thời, Arasa và K’Obonyo (2012) cho rằng một doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả sẽ chú trọng và đầu tư vào quản trị chiến lược để duy trì và nâng cao các giá trị bền vững thông qua lợi thế cạnh tranh. Cụ thể, vai trò của quản trị chiến lược thể hiện như sau:

  • Quản trị chiến lược xác định các hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại và trong tương lai của doanh nghiệp, góp phần thiết lập định hướng phát triển của doanh nghiệp. Hoạt động này gắn liền với nhiệm vụ chiến lược của doanh nghiệp, tức tương lai mong muốn và phương hướng thực hiện để đạt được mong muốn đó trong dài hạn. Việc xác định rõ ràng các hoạt động liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp chủ động và kiểm soát được mọi hoạt động của mình, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (Bryson, 1989).
  • Quản trị chiến lược thiết lập các mục tiêu chiến lược cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các mục tiêu cụ thể trong mọi hoạt động, mọi cấp bậc quản lý, từ cấp cao nhất đến thấp nhất trong cấu trúc tổ chức, có tác động đến sự tồn vong và thành công của doanh nghiệp. Hoạch định các mục tiêu chính thống không chỉ góp phần chuyển các định hướng, tầm nhìn thành các mục tiêu cụ thể cần đạt được, mà còn tránh sự sai lệch, nhầm lẫn về định hướng dài hạn của doanh nghiệp. Cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn đều cần thiết. Các mục tiêu chiến lược tổng thể mang tính tổng quát là vị thế trên thị trường và vị thế cạnh tranh mà doanh nghiệp hướng đến, mức lợi nhuận hàng năm, kết quả tài chính và sản xuất kinh doanh. Vì các mục tiêu cần phải được thiết lập tại mọi cấp bậc và bộ phận trong doanh nghiệp, quản trị chiến lược tập hợp sự tham gia của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp, bao gồm cả các nhà quản lý; giúp họ xác định một cách rõ ràng và đo lường được phạm vi công việc, mục tiêu và đóng góp của mình vào sự thành công của chiến lược doanh nghiệp (Stoner, 1994).
  • Quản trị chiến lược đóng vai trò xây dựng tầm nhìn chiến lược, hoạch định sứ mạng kinh doanh, thiết lập các mục tiêu chiến lược thông qua phân tích môi trường bên ngoài, môi trường bên trong và xây dựng, lựa chọn chiến lược. Xây dựng tầm nhìn chiến lược và hoạch định sứ mạng kinh doanh chính giúp các nhà quản lý trả lời các câu hỏi về mục đích tồn tại của doanh nghiệp. Thiết lập các mục tiêu chiến lược hướng đến trả lời câu hỏi doanh nghiệp muốn đạt được gì, tại thời điểm nào. Quản trị chiến lược cho phép mục tiêu chiến lược đưa ra gắn kết với sứ mạng và được thiết lập trên cơ sở các phân tích cẩn trọng, khoa học. Ngoài ra, hoạt động phân tích môi trường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp đảm bảo chiến lược doanh nghiệp đưa ra có tính khả thi cao. Môi trường bên trong doanh nghiệp liên quan đến nhân lực, tài chính, quản lý… còn môi trường bên ngoài chính là môi trường văn hóa, kinh tế, xã hội, môi trường ngành, đối thủ cạnh tranh… Sau khi phân tích, kết hợp với các mục tiêu, quản trị chiến lược cho phép nhà chiến lược xây dựng và lựa chọn chiến lược phù hợp và hiệu quả (Steiner, 1979).
  • Quản trị chiến lược thiết lập các mục tiêu hàng năm, hoạch định các chính sách, phân bổ nguồn lực, tái cấu trúc tổ chức, phát huy văn hóa và phong cách lãnh đạo doanh nghiệp. Một chiến lược tốt giúp doanh nghiệp đi đúng hướng trong quá trình hoạt động của mình, và mang lại kết quả đáng kể cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều chiến lược đã bị thất bại ở khâu thực hiện chứ không phải khâu hoạch định. Đôi khi, các nhà quản lý quan niệm rằng khi đã vạch đúng đường đi thì chắc chắn sẽ đi đến đích. Quản trị chiến lược tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi chiến lược khi phát sinh một số yếu tố bất ngờ thông qua hỗ trợ nhà quản trị ứng phó kịp thời và phân bổ nguồn lực một cách hợp lý nhằm duy trì định hướng chiến lược và đạt được các mục tiêu đã đề ra (Quinn, 1980).
  • Việc kiểm tra và đánh giá chiến lược trong quản trị chiến lược giúp doanh nghiệp xem xét lại môi trường bên trong, bên ngoài doanh nghiệp; thiết lập ma trận đánh giá thành công và đề xuất các hành động điều chỉnh nếu cần. Theo Mankins và Steele (2005), hoạt động này cho phép doanh nghiệp phân tích và đánh giá kỹ lưỡng một số nội dung như : (i) tầm nhìn về tương lai mà doanh nghiệp mong muốn còn phù hợp với tình hình thực tế hay không, (ii) những thay đổi đang diễn ra trong môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, và (iii) vấn đề cần bổ sung mới hay điều chỉnh trong chiến lược do bối cảnh kinh doanh thay đổi, do xuất hiện công nghệ mới hay các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài, cũng như những thay đổi trong nguồn lực nội bộ của doanh nghiệp.

Đối với các nhà lãnh đạo hay quản trị cao cấp, quản trị chiến lược có những vai trò sau:

  • Giúp thấy rõ mục đích và hướng đi của mình trên cơ sở phân tích môi trường bên trong, nắm rõ điểm mạnh điểm yếu của doanh nghiệp, nhờ đó mà lãnh đạo xem xét và xác định doanh nghiệp nên đi theo hướng nào và khi nào tới một điểm cụ thể xác định. Ngoài ra, quản trị chiến lược cũng khuyến khích nhân viên nắm vững những gì cần làm để nâng cao hiệu quả làm việc.
  • Môi trường bên ngoài doanh nghiệp luôn biến đổi nhanh, các biến đổi này dễ tạo ra các nguy cơ cũng như cơ hội bất ngờ cho doanh nghiệp. Việc quản trị chiến lược phải nhằm vào các yếu tố này (cơ hội và nguy cơ môi trường trong tương lai). Nên yêu cầu nhà quản trị chiến lược trong một chiến lược phải phân tích và dự báo các điều kiện môi trường trong tương lai gần cũng như xa.
  • Nhờ có quản lý chiến lược, doanh nghiệp sẽ gắn các quyết định đề ra với điều kiện môi trường liên quan nên quản trị chiến lược giúp doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những thay đổi trong môi trường và làm chủ được diễn biến tình hình.
  • Lý do quan trọng nhất của vận dụng quản trị chiến lược là phần lớn các công trình nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp vận dụng quản trị chiến lược thì đạt kết quả tốt hơn so với kết quả họ đạt được trước đó và các doanh nghiệp không vận dụng quản trị chiến lược. Việc áp dụng quản trị chiến lược sẽ giảm rủi ro sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Một cách khái quát, một chiến lược doanh nghiệp hay hoạt động quản trị chiến lược trong doanh nghiệp có hiệu quả phải là:

  • Một chiến lược kinh doanh với tầm nhìn rõ ràng trong tương lai;
  • Một phương hướng chiến lược được xây dựng với sự đồng thuận cao của các nhà quản lý cấp cao, của cả các đối tác và các cổ đông;
  • Một cơ chế có khả năng giải trình với các khách hàng, đối tác, lãnh đạo, nhân viên trong việc đáp ứng kỳ vọng của họ cũng như trọng tâm đáp ứng được các mục tiêu chính sách đề ra của doanh nghiệp;
  • Một khung hành động chung cho người quản lý ở các cấp độ nhất định để đảm bảo cùng phối hợp thực hiện nhiều mục tiêu, thậm chí cả khi có sự cạnh tranh ưu tiên giữa các công việc và các mục tiêu khác nhau;
  • Có khả năng khai thác cơ hội và ứng phó trước những thay đổi từ bên ngoài bằng khả năng điều phối linh động, liên tục, có khả năng ra các quyết định chiến lược phù hợp và đúng thời cơ;
  • Xây dựng khung quản trị rủi ro đảm bảo cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận của mỗi định hướng kinh doanh, sẵn sàng đương đầu với những thay đổi, rủi ro dự kiến cũng như đảm bảo tính liên tục trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhìn chung, hoạt động quản trị chiến lược doanh nghiệp có tác động và vai trò đáng kể, tích cực đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu quản trị chiến lược được triển khai liên tục và hiệu quả, thì doanh nghiệp sẽ thu được hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, và ngược lại. Steiner (1979) cho rằng hoạt động quản trị chiến lược doanh nghiệp luôn linh động trước những thay đổi thuộc cả về môi trường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Đa phần chiến lược thời gian được triển khai một cách tuần tự, nhưng đôi khi trong bối cảnh khủng hoảng, một số quyết định liên quan đến chiến lược được đưa ra một cách gấp rút, hợp lý và kịp thời. Vì vậy, quản trị chiến lược cho phép doanh nghiệp tiến hành các hoạt động cải tiến, tinh chỉnh trong nội bộ, đưa ra các quyết định điều hành, và điều chỉnh hành vi của cả doanh nghiệp, nhà quản trị chiến lược và các thành viên.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 15 – 19.