Theo mô hình hệ tư tưởng CSP (Hành động – Cấu trúc – Hiệu quả), khi doanh nghiệp trang bị các nguồn lực đầy đủ và phù hợp với chiến lược thì sẽ có thể xây dựng và duy trì lợi thế cạnh tranh, thậm chí chiến lược điều khiển môi trường cạnh tranh.
Môi trường kinh doanh hiện nay đang trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của biến động và thay đổi nhanh chóng của thị trường, khủng hoảng và sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ. Mọi doanh nghiệp đều cố gắng duy trì vị thế và lợi thế cạnh tranh, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng phát triển thành công và bền vững. Thế giới đã được chứng kiến những gã khổng lồ như tập đoàn chứng khoán Lehman Brothers; ngân hàng Royal Bank of Scotland Group, MG Rover Group bị xóa sổ trên thị trường; Panasonic, Sharp, Kodak, Nokia, BlackBerry điêu đứng vì cạnh tranh và phát triển công nghệ; General Motor, Ford, tập đoàn tài chính hùng mạnh Barclays của Vương Quốc Anh lún sâu vào khủng hoảng trước cơn bão tài chính 2008. Những lợi thế vốn có về quy mô, thị phần, tiềm lực của các tập đoàn này tưởng chừng như bền vững nhưng đã bị phá vỡ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt và sự ra đời của công nghệ. Thực tế này cũng đồng hành với sự phát triển của các tư tưởng quản trị với sự ra xuất hiện của các học thuyết mạnh và phù hợp hơn với bối cảnh thị trường hiện đại.
Nếu trước đó, trường phái kinh tế công nghiệp (IO – Industrial Organization) theo quan điểm SCP (Structure – Conduct – Performance; Cấu trúc – Hành động – Hiệu quả) (xem mở đầu phần I cuốn sách này) tập trung phân tích so sánh doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh, cũng như vị thế và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Xây dựng và duy trì lợi thế cạnh tranh là phân tích các lực lượng bên ngoài sau đó quyết định và hành động dựa trên kết quả thu được (Porter, 1985). Theo đó, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp được đánh giá dưới góc độ là trạng thái cân bằng lâu dài duy nhất đem lại sự thành công cho doanh nghiệp. Điều này đặt ra câu hỏi liệu lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp có thực sự bền vững không trong môi trường cạnh tranh và biến động. Mặt khác, các doanh nghiệp trong cùng ngành công nghiệp là đồng nhất nên chỉ giới hạn đơn vị phân tích chiến lược ở cấp ngành công nghiệp.
Với những giới hạn trên, các nhà nghiên cứu quản trị chiến lược không hoàn toàn đồng ý với những hàm ý được thể hiện trong mô hình SCP. Họ nỗ lực đi tìm mô hình, học thuyết, quan điểm mới để khắc phục những giới hạn của mô hình SCP và một trong những quan điểm được phát triển và thừa nhận rộng rãi hiện nay là quan điểm về nguồn lực doanh nghiệp theo mô hình hệ tư tưởng CSP (Conduct – Structure – Performance; Hành động – Cấu trúc – Hiệu quả). Theo đó, các tác giả gạt bỏ giả định về tính đồng nhất của doanh nghiệp; và chỉ ra rằng, để phân tích năng lực chiến lược của doanh nghiệp cần đi từ các nguồn lực bên trong doanh nghiệp (Wernerfelt, 1984; Barney, 1991). Khi doanh nghiệp trang bị các nguồn lực đầy đủ và phù hợp với chiến lược thì sẽ có thể xây dựng và duy trì lợi thế cạnh tranh; lợi thế cạnh tranh được khẳng định có nguồn gốc từ nguồn lực, kiến thức, năng lực vượt trội của doanh nghiệp.
Hệ tư tưởng CSP phát triển mạnh trong những năm gần đây gắn với bối cảnh môi trường siêu cạnh tranh. Tại đây, lợi thế cạnh tranh bền vững không tồn tại; hay nói cách khác lợi thế cạnh tranh không thể bền vững trước sự tấn công liên tục của các đối thủ cạnh tranh. Để tồn tại và phát triển bền vững, doanh nghiệp phải (1) liên tục học hỏi và thay đổi phản ứng trước các hành vi tấn công của đối thủ, hoặc (2) thực hiện các chiến lược bẻ gẫy thị trường, tạo ra thị trường mới theo những luật chơi do chính doanh nghiệp thiết lập. Từ đó, doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược điều khiển môi trường cạnh tranh, để đảm bảo lợi thế cạnh tranh bền vững và hiệu quả của doanh nghiệp mình.
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, kéo theo nhu cầu tiếp cận doanh nghiệp như một cấu thành trong một tổng thể. Thuyết hệ thống, mặc dù đã xuất hiền khá lâu trước đây, ngày càng khẳng định vài trò trong bối cảnh hiện đại và tiếp tục được phát triển mở rộng. Theo đó, doanh nghiệp là một hệ thống, là một thực thể bao gồm nhiều thành phần liên quan và phụ thuộc lẫn nhau, cùng tham gia vào những hệ thống lớn hơn, đến toàn cầu. Vì vậy, thay đổi của bất cứ thành phần nào của hệ thống đều ảnh hưởng đến các thành phần khác và tác động đến toàn bộ hệ thống. Ngày nay, thuyết hệ thống đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động như giáo dục, quản lý doanh nghiệp, ứng dụng kỹ thuật…
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyên, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), Học thuyết doanh nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 351 – 352.
10 Th9 2019
9 Th8 2019
10 Th9 2019
16 Th8 2019
28 Th1 2020
10 Th9 2019