Kể từ khi xuất hiện từ đầu thế kỷ 19, thuật ngữ “chiến lược” đã được sử dụng phổ biến và rộng rãi trong khoa học quản trị doanh nghiệp. Mặc dù được xây dựng và phát triển mạnh mẽ tại phương Tây, cả trên phương diện quân sự và quản trị doanh nghiệp, nhưng nếu nhìn lại lịch sử, khái niệm “chiến lược” bắt nguồn từ quân sự, và lần đầu được đề cập chính thống trong quân sự phương Đông trong tác phẩm kinh điển Binh Pháp Tôn Tử những năm 512 trước Công Nguyên.
1. Nguồn gốc: từ quân sự
1.1. Chiến lược quân sự phương Đông
Lịch sử ghi nhận biểu tượng đầu tiên của chiến lược quân sự phương Đông là nhà quân sự đại tài Tôn Vũ, tên tiếng anh là Sun Tzu, (545 – 470 TCN). Mang dòng dõi quý tộc nước Tề, tuy nhiên, khi chiến tranh nổ ra, Tôn Vũ đến sống và xây dựng sự nghiệp binh pháp của mình tại nước Ngô. Binh Pháp Tôn Tử (The art of War), tác phẩm đầu tiên và là nền móng của binh học hiện đại ngày nay, được ông biên soạn vào khoảng năm 512 trước Công Nguyên. Trong đó, tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của “định vị” (positioning) trong chiến lược quân sự. Quyết định triển khai quân đội phải dựa trên (1) điều kiện khách quan là môi trường tự nhiên và (2) niềm tin chủ quan của các bên tham chiến. Chiến lược, không phải là thực hiện một danh sách các hoạt động đã được lập trước, mà gồm cả các phản ứng nhanh chóng và phù hợp với những thay đổi của bối cảnh. Lập kế hoạch được thực hiện trong môi trường được kiểm soát; nhưng trong môi trường thay đổi, chiến sự đụng độ thực tế luôn tạo ra những tình huống bất ngờ.
Binh Pháp Tôn Tử gồm 13 chương (xem mục lục 1); mỗi chương đề cập đến một lĩnh vực quan trọng trong chiến tranh và được coi là kết tinh của nghệ thuật chiến lược và chiến thuật quân sự. Cụ thể gồm: kế sách; tác chiến; mưu công; hình; thế; hư thực; quân tranh; cửu biến; hành quân; địa hình; cửu địa; hỏa công; và tình báo và gián điệp. Binh Pháp Tôn Tử thường xuyên được áp dụng trong thời Chiến quốc sau thời Xuân Thu; các lý thuyết binh pháp lan rộng từ thời nhà Đường; đến thế kỉ 7, truyền đến Nhật Bản, Triều Tiên; và đến Châu Âu vào đầu thế kỉ 18 tại các quốc gia Anh, Pháp, Đức. Trong hơn hai nghìn năm, đây là tác phẩm lý luận quân sự được coi trọng nhất tại châu Á và có ảnh hưởng nhất định đến tư duy lý luận chiến lược, chiến thuật phương Tây.
Không chỉ trong quân sự, ngày nay, Binh pháp Tôn Tử được ứng dụng rộng rãi trong quản trị doanh nghiệp, đặc biệt tại Nhật Bản và Hoa Kỳ, trong quản lý nhân sự, tổ chức lãnh đạo, cạnh tranh nhằm đạt được thành công trong sản xuất kinh doanh trên thương trường.
1.2. Chiến lược quân sự phương Tây
“Chiến lược”, thuật ngữ xuất hiện từ thời Hi Lạp cổ đại và có nguồn gốc sâu xa từ quân sự, là một kế hoạch tinh vi nhằm đạt được một hay nhiều mục đích trong điều kiện bất ổn và biến động. Trong thời kỳ La Mã cổ đại, chiến lược là “một nghệ thuật chỉ huy quân sự”, gồm nhiều kỹ năng như “chiến thuật”, công thủ, bao vây, hậu cần logistics … Khái niệm này được sử dụng từ thế kỷ thứ 6 và được chuyển sang ngôn ngữ phương Tây hiện hành vào thế kỷ thứ 18. Carl von Clausewitz, cha đẻ của khoa học nghiên cứu chiến lược phương Tây hiện đại, định nghĩa chiến lược quân sự là “triển khai chiến trận để giành thắng lợi và kết thúc chiến tranh”. Theo cách tiếp cận khác, đặt các mục tiêu chính trị lên trên mục tiêu quân sự, Liddell Hart định nghĩa chiến lược là “nghệ thuật triển khai và áp dụng các phương tiện quân sự nhằm đạt được các mục tiêu chính trị” (1967).
Carl Philipp Gottfried von Clausewitz (1792 – 1831) là sĩ quan cao cấp trong binh lực Vương quốc Phổ (nước Đức ngày nay), là người trực tiếp tham gia chỉ huy chặn viện binh của Napoleon tại Waterloo. Ông cũng là một nhà sử học, lý luận quân sự có tầm ảnh hưởng lớn nghiên cứu các nguyên tắc chiến tranh của các vị Vua nước Phổ và Ý. Lịch sử quân sự các quốc gia là nguồn cảm hứng trong các tác phẩm về chiến tranh của ông. Ông đã nghiên cứu trên 130 cuộc chiến, đặc biệt là các chiến dịch quân sự của Vua Friedrich II và Napoleon. Ông đã viết nhiều tác phẩm nổi tiếng về lịch sử quân sự, trong đó nổi bật là tác phẩm Bàn Về Chiến Tranh (tiếng Đức: Vom Kriege; tiếng Anh: On War), được ông viết chưa hoàn thành trước khi qua đời và được vợ của ông hoàn tất việc chỉnh lý và xuất bản nó năm 1832. Về nội dung, Bàn Về Chiến Tranh là một trong những tác phẩm lý luận quân sự đầu tiên về các chiến lược quân sự hiện đại, trong đó von Clausewitz (1832) đã phân tích kết hợp những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến kết quả của một cuộc chiến tranh, gồm các vấn đề về chính trị, kinh tế và xã hội. Ông cho rằng mọi vấn đề phải được nhìn nhận từ thực tế, các yếu tố nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến thất bại. Sức mạnh tinh thần trong chiến tranh và các mối quan hệ giữa nó và sức mạnh vật chất có ý nghĩa quan trong. Tấn công và phòng ngự là quy luật thiết yếu. Mục tiêu của cuộc chiến là đánh bại quân địch chứ không phải tiêu diệt người dân nước đó.
Bàn Về Chiến Tranh ngay từ khi mới ra đời đã chiếm được một vị trí quan trọng lịch sử tư tưởng quân sự thế giới. Các cuộc chiến tranh thế giới đều kế thừa tư tưởng quân sự của von Clausewitz (1832) và một nhà quân sự lỗi lạc khác là Antoine Henri Jomini, từ đại chiến thế giới thứ nhất (1914-1918) đến thế chiến thứ II (1939- 1945). Các quan điểm của Clausewitz được Lê Nin đúc kết và đánh giá cao là một trong những tác giả vĩ đại nhất về lịch sử chiến tranh, có sức ảnh hưởng lớn đến lực lượng Hồng quân Liên Xô và quân đội Hoa Kỳ sau này.
Antoine Henri Jomini (1779 -1869) là một sĩ quan quân đội nổi tiếng của Pháp; ông cũng từng phục vụ trong quân đội Thụy Sĩ và Nga. Trên cơ sở kinh nghiệm thực tế trải chiến trận và nghiên cứu các cuộc chiến của Alexandros Đại đế, Hoàng đế La Mã Julius Caesar, vua Friedrich II của Phổ và hoàng đế Napoléon Bonaparte, ông đưa ra các quan điểm quan trọng và cơ bản về chiến tranh trong hai tác phẩm nổi tiếng Luận Về Chiến Thuật Chiến Tranh (Treatise on Grand Military Operations) năm 1805 và Tóm Lược Về Nghệ Thuật Chiến Tranh (The Art of War) năm 1838. Lực lượng chiến tranh phải ở mức tối thiểu để giảm thương vong; chính sách chiến tranh là quan hệ tổng hợp giữa ngoại giao và chiến tranh. “Bản chất chiến tranh không phải là một khoa học mà là một nghệ thuật – War in its ensemble is NOT a science, but an art”, quan điểm này xuyên suốt trong tác phẩm của ông. Chiến thuật mà ông đưa ra là nghệ thuật chỉ đạo chiến đấu, đặt lợi thế vào những thời điểm quyết định. Một đóng góp quan trọng khác của Jomini là phân biệt các vùng chiến sự và các vùng hoạt động, các kênh truyền thông và hậu cần.
Tổng kết và phát triển các nghiên cứu trên, từ thế kỷ 20 đến nay, khái niệm chiến lược quân sự được hiểu là “một phương pháp tổng thể nhằm đạt được các mục tiêu chính trị, gồm cả các hoạt động đe dọa và triển khai lực lượng quân sự” trong một cuộc chiến tranh giữa các bên tham gia (Lawrence, 2013). Từ các nghiên cứu quân sự nền tảng trên và nhiều nghiên cứu hiện đại khác, khái niệm chiến lược được hình thành, phát triển và áp dụng trong khoa học quản trị doanh nghiệp hiện đại từ thế kỷ thứ 19.
2. Lịch sử chiến lược doanh nghiệp từ thế kỷ thứ 19
Từ các nghiên cứu quân sự, khái niệm chiến lược được hình thành, phát triển và áp dụng trong khoa học quản trị doanh nghiệp hiện đại từ thế kỷ thứ 19. Mặc dù có nguồn gốc từ chiến lược quân sự, nhưng chiến lược doanh nghiệp có sự khác biệt đáng kể. Về bản chất, chiến lược quân sự nhằm tiêu diệt kẻ địch; đây là cuộc chiến thắng – bại. Trong khi đó, chiến lược doanh nghiệp có thể theo đuổi các mục tiêu khác nhau, mặc dù luôn gắn liền với các mục tiêu tài chính. Để đạt được các mục tiêu này, không nhất thiết phải có doanh nghiệp hay đối thủ nào bị phá sản, giải thể vì kinh doanh là một quá trình liên tục tạo ra giá trị. Các doanh nghiệp gặp khó khăn ở lĩnh vực hay mặt này luôn có thể thành công ở một lĩnh vực khác hoặc bằng một phương pháp tiếp cận mới. Do đó, chiến lược doanh nghiệp không phải là thế giới của sự hủy diệt mà là thế giới của sự sáng tạo.
Lịch sử phát triển của ngành chiến lược doanh nghiệp được phân làm hai thời kỳ chính: giai đoạn đầu từ những năm 1960 đến những năm đầu 1980, và giai đoạn thứ hai từ những năm cuối 1980 đến nay.
2.1. Giai đoạn từ những năm 1960 đến những năm đầu 1980
Chiến lược doanh nghiệp trong giai đoạn này mang nặng ảnh hưởng tư tưởng “Bàn Tay Vô Hình” của Adam Smith và “Bàn Tay Hữu Hình” của Alfred Chandler.
“Bàn Tay Vô Hình” được Adam Smith đề cập nhiều lần trong kiệt tác Sự Phồn Thịnh Của Các Quốc Gia (The Wealth of Nations) năm 1776. Theo đó, “Bàn tay vô hình” được hiểu khái quát như sau: trong nền kinh tế thị trường, vốn gắn liền với bản chất tư lợi của các thương gia, sẽ dẫn đến kết quả không mong đợi là sự xã hội hóa và lợi ích lợi ích chung cho xã hội. Một cách tự nhiên, những mâu thuẫn lợi ích cá nhân sẽ dẫn đến cạnh tranh; cạnh tranh thúc đẩy các cá nhân sản xuất ra những thứ mà xã hội cần, góp phần củng cố lợi ích chung cho cả cộng đồng. Bản chất mỗi con người đều bị thúc đẩy bởi tư lợi, cụ thể là lòng ham muốn của cải; tính ích kỷ là căn cốt cho các hành động của con người; nhưng chính tính ích kỷ cá nhân này lại đã đem tới lợi ích chung cho xã hội: Mỗi người cố gắng làm lợi cho chính mình một cách đều đặn, không ngừng, sẽ dẫn tới sự thịnh vượng cho quốc gia của họ. Như vậy, theo Adam Smith, chính quyền mỗi quốc gia không cần can thiệp vào cá nhân và doanh nghiệp, cứ để nó tự do hoạt động kinh doanh; ông kết luận: “Sự giàu có của mỗi quốc gia đạt được không phải do những quy định chặt chẽ của nhà nước, mà do bởi tự do kinh doanh”; “một chính quyền tốt nhất là loại chính quyền cai trị ít nhất” – tư tưởng này đã chế ngự nền kinh tế thế giới trong suốt thể kỉ XIX. Đây cũng là lý do giải thích tại sao Adam Smith được coi là cha đẻ của kinh tế học và quản trị học. Mặc dù khái niệm chiến lược không được ông đề cập đến, nhưng tư tưởng của ông là tiền đề phát triển của ngành chiến lược thích nghi theo cơ chế thị trường, được phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20.
Cuối thế kỷ thứ 19, trong một số ngành công nghiệp có mô hình doanh nghiệp đa bộ phận (M-form), “bàn tay hữu hình” của các nhà quản lý trong các doanh nghiệp hiện đại đã thay thế bàn tay vô hình của thị trường trong điều phối các hoạt động của nền kinh tế và phân bổ các nguồn lực liên quan. Thuật ngữ “Bàn tay hữu hình” (The Visible Hand) xuất hiện trong tác phẩm Bàn Tay Hữu Hình – Cuộc Cách Mạng Quản Lý Trong Các Doanh Nghiệp Hoa Kỳ (The Visible Hand: The Managerial Revolution in American Business), do Chandler biên soạn và công bố năm 1977. Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống đại diện cho các hoạt động nhỏ, lẻ, thường sản xuất một sản phẩm duy nhất trong một khu vực địa lý hẹp, và bị chi phối bởi hệ thống thị trường và giá cả. Ngược lại, các doanh nghiệp hiện đại, với nhiều đơn vị bộ phận, thường sản xuất nhiều sản phẩm khác nhau ở nhiều địa điểm. Các hoạt động của doanh nghiệp hiện đại được quản lý và giám sát bởi các nhân viên làm công ăn lương chứ không phải các cơ chế thị trường. Hay nói cách khác, doanh nghiệp hiện đại đã thay thế thị trường trên cơ sở hoạt động quản lý hành chính – được kiểm soát dưới bàn tay hữu hình của các nhà quản lý – tạo ra năng suất cao hơn, chi phí thấp hơn và lợi nhuận cao hơn so với tuân thủ cơ chế thị trường.
Như vậy, có thể thấy, trong giai đoạn trước năm 1960, khái niệm “chiến lược” chủ yếu được hiểu gắn liền với chiến tranh và các hoạt động chính trị. Trong những năm 1950 – 1960, nhiều doanh nghiệp đã thiết lập các bộ phận chuyên trách lập và thực thi kế hoạch chiến lược. Các nghiên cứu về chiến lược doanh nghiệp chính thức xuất hiện vào thời gian này, trong đó, phải kể đến Peter Drucker – một nhà lý luận quản lý đa ngành và là tác giả của nhiều tác phẩm quản lý nổi tiếng. Trong tác phẩm nổi tiếng Thực Hành Quản Trị (The Practice of Management) năm 1954, ông đặt ra các câu hỏi chiến lược: trách nhiệm đầu tiên của những nhà lãnh đạo là phải tự đặt ra câu hỏi “hoạt động kinh doanh của chúng ta là gì?” và phải đảm bảo chắc chắn rằng câu hỏi này được nghiên cứu cẩn thận và giải đáp đúng đắn”; và theo ông, câu trả lời cuối cùng là do khách hàng đánh giá. Ông nhấn mạnh 8 mục tiêu cần thiết lập trong doanh nghiệp là: vị thế trên thị trường, đổi mới, năng suất, các nguồn lực tài chính và vật chất, hiệu quả và thái độ của người lao động, khả năng sinh lời, hiệu quả và năng lực phát triển của nhà quản lý, và trách nhiệm xã hội. Đóng góp quan trọng của Peter Drucker thể hiện ở sự nhấn mạnh tầm quan trọng của mục tiêu và hoạt động quản lý trong doanh nghiệp.
Tiếp theo là giáo sư luật học và xã hội học tại Đại học California, Philip Selznick. Ông là người đặt nền tảng cho lý thuyết tổ chức, pháp luật xã hội và quản lý hành chính công. Đồng thời, ông cũng là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “năng lực khác biệt” (distinctive competence) trong tác phẩm nổi tiếng Phong Cách Lãnh Đạo Trong Quản Lý (Leadership in Administration) năm 1957, ông đã phân tích cụ thể doanh nghiệp Navy làm thế nào để khác biệt hóa dịch vụ của mình so với các đối thủ khác. Ông cũng đặt nền tảng cho tư tưởng thích nghi các yếu tố nội tại của doanh nghiệp với bối cảnh môi trường bên ngoài; được Kenneth R. Andrews phát triển sau đó thành mô hình SWOT.
Nhìn chung, hai nguyên tắc cơ bản của ngành chiến lược doanh nghiệp trong thời kỳ đầu là: (1) để đảm bảo phát triển bền vững, doanh nghiệp phải thích ứng với môi trường mà mình hoạt động; và (2) để thành công, doanh nghiệp phải có được lợi thế cạnh tranh và bảo vệ vững chắc lợi thế đó. Nhiều mô hình chiến lược đã được phát triển trong thời kỳ này như ma trận SWOT, BCG, ma trận sản phẩm – thị trường, McKinsey … và kết thúc bởi những mô hình phân tích chiến lược đỉnh cao của Michael E. Porter (1980, 1985), được đánh giá là bao trùm tất cả các mô hình chiến lược trước đó.
2.2. Giai đoạn từ đầu những năm cuối 1980 đến nay
Nghiên cứu năm 1984 về Quan điểm nguồn lực của doanh nghiệp (A Resource-based View of the Firm) của học giả Wernerfelt mở ra giai đoạn chiến lược doanh nghiệp hiện đại hiện nay. Theo quan điểm này, chiến lược cạnh tranh tối ưu của doanh nghiệp phải dựa trên các nguồn lực nội tại của chính doanh nghiệp. Quan điểm tiếp cận nguồn lực liên tục được các học giải phát triển thành các học thuyết về nguồn lực với nhiều nội dung về: chiến lược nguồn lực, chiến lược tri thức, chiến lược năng lực cốt lõi và khả năng động, chiến lược quan hệ; chiến lược siêu cạnh tranh; chiến lược bẻ gãy; chiến lược đại dương xanh.
Theo quan điểm nguồn lực RBV (Resource-Based View), các tác giả gạt bỏ giả định về tính đồng nhất của doanh nghiệp (Wernerfelt, 1984; Barney, 1991); và chỉ ra rằng, để phân tích năng lực chiến lược của doanh nghiệp cần đi từ các nguồn lực bên trong doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp trang bị các nguồn lực đầy đủ và phù hợp với chiến lược thì sẽ có thể xây dựng và duy trì lợi thế cạnh tranh. RBV tập trung vào mối liên hệ giữa các nguồn lực bên trong đồng thời đề cập đến khả năng liên kết các năng lực bên trong doanh nghiệp với các yếu tố của môi trường bên ngoài để tạo ra lợi thế cạnh tranh nhất định.
Các nhà nghiên cứu theo quan điểm nguồn lực nhấn mạnh khả năng duy trì hiệu suất vượt trội của doanh nghiệp trên cơ sở sở hữu các nguồn lực nội tại khan hiếm và không thể sao chép của doanh nghiệp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này, như các tình huống duy nhất doanh nghiệp đã trải nghiệm mà đối thủ cạnh tranh không thể tái tạo; hay sự không rõ ràng, phức tạp và khó hiểu của các mối quan hệ giữa các nguồn lực và lợi thế cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp; hoặc các nguồn lực quá phức tạp, vượt quá khả năng và ranh giới quản lý của doanh nghiệp, ví dụ như văn hóa doanh nghiệp.
Theo quan điểm dựa vào nguồn lực, doanh nghiệp có khuynh hướng bị bó hẹp với một vài nguồn lực quan trọng mà doanh nghiệp có thể triển khai trên khắp các thị trường sản phẩm theo hướng tối đa hóa lợi nhuận thay vì đạt lợi nhuận trên các thị trường riêng lẻ. “Trong ngắn hạn, năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp phụ thuộc vào yếu tố giá cả / hiệu quả của sản phẩm hiện tại…. Nhưng trong dài hạn, năng lực cạnh tranh có nguồn gốc từ năng lực cốt lõi, đây là yếu tố giúp doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm mới vượt kì” (Prahalad và Hamel, 1990). Năng lực cốt lõi đề cập tới là một thuật ngữ mới đại diện cho các nguồn lực chủ lực của doanh nghiệp đã được nhấn mạnh từ trước đó.
Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 1 – 5.
16 Th8 2019
1 Th1 2019
15 Th8 2019
15 Th8 2019
11 Th1 2022
15 Th8 2019