Định nghĩa chiến lược doanh nghiệp và các cấp chiến lược

Có nhiều định nghĩa doanh nghiệp và định nghĩa chiến lược doanh nghiệp theo các quan điểm tiếp cận lý luận khác nhau cùng với sự phát triển của quản trị học. Theo quan điểm tân cổ điển, doanh nghiệp là một “hộp đen” (black box) tập hợp mọi yếu tố cần thiết để tổ chức triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh. Jensen và Meckling (1976), theo học thuyết người đại diện (agency theory), định nghĩa doanh nghiệp là “liên minh nhiều chủ thể (chủ sở hữu, nhà quản lý, đối tác) và các chủ thể có thể theo đuổi nhiều lợi ích khác nhau”. Tiếp cận về chi phí giao dịch (transaction cost economics), Wiliamson OE. (1975) đưa ra định nghĩa doanh nghiệp là “một mạng lưới những hợp đồng đặc thù”. Trên cơ sở nguồn lực (Resource-based View), Barney (1991) và Grant (1991) lại hiểu theo nghĩa doanh nghiệp là “nơi tập trung các nguồn lực”.

Dù theo quan điểm tiếp cận nào, một cách khái quát, doanh nghiệp là một tổ chức hoạt động “có chiến lược”, có kế hoạch nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm, dịch vụ hoặc cả sản phẩm dịch vụ đến khách hàng và/hoặc người tiêu dùng. Để thực hiện nhiệm vụ này, doanh nghiệp tự tổ chức, huy động và tác động lên các nguồn lực (nguyên vật liệu, tài chính, nguồn nhân lực, trang thiết bị máy móc, thông tin) trong một phạm vi nhất định và tuân thủ các luật lệ của môi trường, nhà nước; trên cơ sở đảm bảo mục tiêu lợi nhuận ở mức nhất định.

1. Định nghĩa và đặc điểm chiến lược doanh nghiệp

Theo quan điểm thực nghiệm, Alfred Sloan (quản lý tại General Motors từ 1923 đến 1946) chỉ ra rằng “chiến lược được xây dựng trên nền tảng các điểm mạnh và điểm yếu”. Theo Chandler (1962), “Chiến lược nhằm xác định các mục tiêu và mục đích căn bản, dài hạn và cách thức hành động cũng như phân bổ các nguồn lực cho phép doanh nghiệp đạt được các mục tiêu, mục đích đó”. Còn Porter (1985) khẳng định: “Chiến lược, đối mặt với cạnh tranh, là tổ hợp các mục tiêu mà doanh nghiệp cố gắng đạt được và các phương tiện để đạt các mục tiêu đó”. Ông nhấn mạnh ba nguyên tắc cơ bản của chiến lược là: (1) tạo ra một vị thế độc tôn và giá trị trên thị trường; (2) tạo sự cân bằng thông qua lựa chọn “không làm những gì”; và (3) đạt được sự “phù hợp” tổng thể thông qua tổ chức điều phối hợp lý các hoạt động trong doanh nghiệp để hỗ trợ chiến lược mà doanh nghiệp đã chọn.

Mintzberg (1994) khẳng định con người sử dụng “chiến lược” bằng nhiều phương pháp khác nhau. Theo ông, có bốn phương pháp tiếp cận chiến lược chính, gồm: (1) chiến lược là một kế hoạch, một “phương thức thế nào đó”, một phương tiện để đạt được mục tiêu này đến mục tiêu khác; (2) chiến lược là một khung hành động theo thời gian; ví dụ, một doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm xa sỉ đã áp dụng chiến lược “khách hàng cao cấp”; (3) chiến lược là hoạt động định vị, thể hiện các quyết định của doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó trên những thị trường nào đó; và (4) chiến lược là quan điểm, bao hàm tầm nhìn và định hướng. Andrews (1980) đưa ra định nghĩa chiến lược doanh nghiệp như sau: “Chiến lược là khung ra quyết định của doanh nghiệp, cho phép xác định và cụ thể hóa các mục tiêu, mục đích, từ đó hình thành các chính sách và kế hoạch chủ đạo để đạt được các mục tiêu, và xác định tập hợp các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, loại hình tổ chức kinh tế và nhân sự hiện hữu hoặc hướng đến, và bản chất các hoạt động kinh tế và phi kinh tế mang lại cho các cổ đông, nhân viên, khách hang và cộng đồng”.

Một cách khái quát, chiến lược thể hiện các mục tiêu doanh nghiệp mong muốn thực hiện và những hành động được đưa ra nhằm có được những mục tiêu đó. Về bản chất, chiến lược thường đặt trọng tâm vào những định hướng của doanh nghiệp trong dài hạn, liên quan đến xu thế phát triển và nhu cầu của khách hàng, cạnh tranh, định vị tương lai của doanh nghiệp; qua đó giúp doanh nghiệp xây dựng được hệ thống sản xuất kinh doanh phù hợp và từng bước phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Chiến lược cũng liên quan đến các quyết định mang tính chiến lược từ các hoạt động hàng ngày như sản xuất kinh doanh, xây dựng, phát triển các mối quan hệ bên trong và ngoài doanh nghiệp, đến các chính sách với người lao động, hoạt động quản lý, giám sát, điều hành …

Chiến lược doanh nghiệp cần xây dựng dựa trên những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Lợi thế cạnh tranh là yếu tố tạo sự khác biệt, nâng cao sức mạnh của doanh nghiệp trên thị trường. Chính vì vậy, việc đưa ra phương hướng cho doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý đến yếu tố này. Đó có thể là lợi thế về sản phẩm, vị trí địa lý, quy mô, dịch vụ … Doanh nghiệp cần phải xây dựng lợi thế cạnh tranh có giá trị lâu dài, như thế mới đảm bảo hơn về sự tồn tại và phát triển trong tương lai.

Chiến lược cũng có thể đươc xem như một phương pháp đánh giá, kiểm định và hiệu chỉnh về sự phù hợp trong định hướng và các hoạt động của doanh nghiệp với môi trường kinh doanh. Cũng có thể coi chiến lược là một cơ hội đổi mới đối với doanh nghiệp. Chiến lược doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào những yếu tố thuộc về môi trường kinh doanh mà cả giá trị kỳ vọng của những đối tác quyền lực bên trong đến doanh nghiệp (cổ đông, các nhà quản lý, nhân viên) và các bên liên quan (đối tác kinh doanh, khách hàng, xã hội, chính phủ). Vì vậy, chiến lược đưa ra vừa là định hướng tương lai, vừa là động lực để doanh nghiệp nỗ lực thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Với vai trò phản ánh các mục tiêu kỳ vọng và những hành động triển khai nhằm đạt được những mục tiêu đó, chiến lược doanh nghiệp mang một số đặc điểm chính sau (Johnson và các cộng sự, 2005):

  • Chiến lược thể hiện định hướng dài hạn của doanh nghiệp;
  • Chiến lược có thể nhằm mục đích thích nghi với môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải linh động, nhạy bén về nguồn lực trước những biến động tương lai. Đạt được vị thế chiến lược trên thị trường có vai trò đặc biệt quan trọng với doanh nghiệp, đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu thị trường;
  • Tuy nhiên, chiến lược cũng có thể hướng đến tạo dựng cơ hội, môi trường kinh doanh trên cơ sở xây dựng các nguồn lực và năng lực mới;
  • Chiến lược doanh nghiệp chịu tác động không chỉ của các lực lượng môi trường và khả năng chiến lược của doanh nghiệp, mà cả của các giá trị và mong muốn của những người nắm quyền lực và có ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Chiến lược gắn liền với các quyết định cần đưa ra; các quyết định chiến lược này cũng có một số đặc điểm đáng chú ý sau (Johnson và các cộng sự, 2005):

  • Về bản chất, việc đưa ra các quyết định mang tính chiến lược khá phức tạp. Sự phức tạp này là đặc trưng của chiến lược và các quyết định chiến lược, đặc biệt tại các doanh nghiệp có phạm vi hoạt động trên địa bàn rộng như các công ty đa quốc gia, hoặc nhiều chủng loại sản phẩm và dịch vụ.
  • Các quyết định chiến lược thường liên quan đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Câu hỏi mà các nhà chiến lược doanh nghiệp thường xuyên được đặt ra là có nên tập trung vào lĩnh vực này, vào một hay nhiều lĩnh vực? hoặc các câu hỏi về kinh doanh, phát triển các dòng sản phẩm? tấn công hay phòng thủ thị trường, khu vực nào?
  • Các quyết định chiến lược thường nhằm đạt được lợi thế nào đó trong cạnh tranh.
  • Việc đưa ra các quyết định chiến lược đôi khi được thực hiện trong những tình huống không chắc chắn hay bất ổn về điều kiện, kết quả tương lai.
  • Các quyết định chiến lược có ảnh hưởng lớn đến hoạt động nghiệp vụ trong doanh nghiệp, bởi 2 nguyên nhân: Thứ nhất, nếu các hoạt động nghiệp vụ không theo đúng chiến lược đã đề ra thì chiến lược đó sẽ không thể thành công được; Thứ hai, ở cấp độ nghiệp vụ, doanh nghiệp có thể sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh chiến lược.
  • Các quyết định chiến lược đòi hỏi hoạt động quản lý tích hợp toàn doanh nghiệp. Các nhà quản lý ở các cấp khác nhau phải giải quyết các vấn đề mang tính chiến lược, có liên quan hoặc phải kết hợp giữa nhiều bộ phận với nhau trên cơ sở đạt được sự đồng thuận và hợp tác với các nhà quản lý khác, vốn có thể có quyền lợi và mục đích khác nhau.
  • Các nhà quản lý cũng phải duy trì và phát triển các mối quan hệ cũng như mạng lưới quan hệ với các đối tác bên ngoài doanh nghiệp, như với các nhà cung cấp, phân phối, khách hàng…
  • Các quyết định chiến lược thường liên quan đến sự thay đổi trong doanh nghiệp, do vậy thường rất khó được chấp nhận vì sức ỳ về vận hành, nguồn lực và văn hóa của tổ chức.

2. Các cấp chiến lược doanh nghiệp

Theo Vancil và Lorange (1975), quá trình hoạch định chiến lược diễn ra ở ba cấp độ trong doanh nghiệp, bao gồm (1) chiến lược ở cấp lãnh đạo cao nhất hay chiến lược cấp doanh nghiệp (Corporate strategy), (2) ở các đơn vị kinh doanh hay chiến lược cấp kinh doanh (Business strategies) và (3) ở các bộ phận chức năng của các đơn vị kinh doanh hay chiến lược cấp chức năng (Operational strategy). Ở mỗi cấp khác nhau, nội dung chiến lược là khác nhau.

Chiến lược cấp công ty, sau đây gọi tắt là chiến lược doanh nghiệp, tiếp cận doanh nghiệp một cách tổng thể nhằm đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan, của khách hàng và hội đồng quản trị. Tại cấp chiến lược doanh nghiệp, các mục tiêu được thiết lập mang tính chiến lược và dài hạn; hoạch định chiến lược là một quá trình gồm:

  • Các quyết định xác định mục tiêu dài hạn, mục tiêu ngắn hạn của doanh nghiệp, xác định bao nhiêu lĩnh vực kinh doanh doanh nghiệp sẽ tham gia và đó là những lĩnh vực gì?;
  • Tìm kiếm và huy động các nguồn lực cần thiết để triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra;
  • Phân bổ nguồn lực giữa các đơn vị kinh doanh để đảm bảo việc mục tiêu được thực hiện đồng đều giữa các bộ phận nhằm đảm bảo các mục tiêu chung của doanh nghiệp.

Chiến lược cấp kinh doanh, sau đây gọi tắt là chiến lược kinh doanh, tập trung vào hoạch định kế hoạch ngắn và trung hạn, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị hay bộ phận kinh doanh; đồng thời phụ thuộc vào cơ cấu tổ chức (tập trung hay hỗn hợp) của doanh nghiệp. Nếu như chiến lược doanh nghiệp gồm một tập hợp đồng nhất các hoạt động trong doanh nghiệp thì chiến lược kinh doanh tập trung vào các danh mục đầu tư kinh doanh của đơn vị kinh doanh liên quan. Hoạch định chiến lược kinh doanh là quá trình nhằm xác định phạm vi hoạt động của từng đơn vị kinh doanh; xác định các mục tiêu chính của đơn vị đó trong lĩnh vực hoạt động đã xác định; áp dụng các chính sách cần thiết nhằm đạt được đạt được các mục tiêu của đơn vị đó. Hoạch định chiến lược kinh doanh lựa chọn các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của các đơn vị kinh doanh, thiết lập điều lệ doanh nghiệp sau khi xác định phạm vi hoạt động trên thị trường, khu vực hoạt động và công nghệ áp dụng của các bộ phận kinh doanh.

Chiến lược cấp chức năng, sau đây gọi tắt là chiến lược chức năng, liên quan đến các bộ phận chức năng trong doanh nghiệp (bộ phận nghiên cứu & phát triển, tài chính, sản xuất, marketing…) được tổ chức như thế nào để thực hiện được phương hướng chiến lược ở cấp độ công ty và chiến lược kinh doanh các SBU trong doanh nghiệp. Chiến lược cấp chức năng do các bộ phận trong các đơn vị kinh doanh xây dựng, là tập hợp các chương trình hành động khả thi để thực hiện từng phần của chiến lược kinh doanh của đơn vị. Hoạch định chiến lược chức năng nhằm xác định các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho từng khu vực chức năng (marketing, tài chính, sản xuất, nghiên cứu phát triển…), xác định bản chất và chuỗi hành động cần thực hiện để đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Chiến lược cấp chức năng là một lời công bố chi tiết về các mục tiêu và phương thức hoạt động ngắn hạn được các đơn vị chức năng sử dụng nhằm đạt được mục tiêu ngắn hạn của các SBU và mục tiêu dài hạn của tổ chức. Chiến lược cấp chức năng giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực chức năng gồm (a) đáp ứng vai trò của lĩnh vực chức năng với môi trường tác nghiệp và (b) phối hợp chức năng với các chính sách khác nhau của doanh nghiệp. Các loại hình chiến lược cấp chức năng cơ bản trong doanh nghiệp gồm: chiến lược sản xuất tác nghiệp, chiến lược Marketing, chiến lược sản xuất, chiến lược nghiên cứu và phát triển (R&D), chiến lược tài chính, chiến lược nguồn nhân lực …

Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 6 – 11.