Kinh tế học thể chế ra đời ở Mỹ vào đầu thế kỷ 20, là “hệ thống lý thuyết được chấp nhận rộng rãi, trong đó nhấn mạnh đến tính hợp lý, khả năng thay đổi đồng hình và tính hợp pháp” (Scott, 2008) trong quá trình thể chế hóa của các doanh nghiệp. Trọng tâm của học thuyết thể chế (Institutional Theory) phân tích vai trò của quá trình thể chế hóa, cũng như vai trò của các thể chế có vai trò định hình hành vi của các cá nhân, doanh nghiệp.
1. Khái niệm và phân loại các thể chế
1.1. Định nghĩa các thể chế
Có nhiều định nghĩa khác nhau về thể chế phụ thuộc vào đặc điểm mỗi quốc gia và mục đích nghiên cứu, các học giả, tổ chức sẽ đưa ra các cách định nghĩa khác nhau. Hamilton (1932) là một trong những tác giả đưa định nghĩa đầu tiên về thể chế, “là một biểu tượng lời nói để mô tả xã hội tốt hơn được sử dụng để mô tả. Thể chế bao gồm cách suy nghĩ hay hành động phổ biến có từ lâu đời và đã trở thành quen của một nhóm người hoặc văn hóa, tập quán của một dân tộc”. Đây là một trong những cách định nghĩa phổ biến của các học giả nghiên cứu, bởi nó đưa ra được các lý luận nền tảng phục vụ cho hoạt động phân tích, mô tả, kiểm tra và các đánh giá lý thuyết khác.
Dưới góc độ quản lý, thể chế là “một hệ thống cấu trúc mà trong đó, những cá nhân nắm quyền lực được cam kết có các giá trị hoặc lợi ích nhất định” (Stinchcombe, 1968, trang 107). Định nghĩa này nhấn mạnh vai trò của quyền lực và cơ quan nhà nước trong bảo đảm các giá trị và lợi ích cho quốc gia. Cùng góc độ tiếp cận này, Jepperson (1991, trang 145) cho rằng, thể chế là các mô hình triển khai các quy định, quy tắc trên thực tế, trong đó, “mô hình được triển khai thông qua các quy định thưởng, phạt được xây dựng bởi cơ quan quyền lực nhà nước nhằm xây dựng xã hội và chống lại các thay đổi tiêu cực”. Định nghĩa này đặc biệt nhấn mạnh vai trò của quyền lực nhà nước dưới hình thức kiểm soát. Theo đó, sự tồn tại của các thể chế ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của các cá nhân, tổ chức và xã hội.
Ngoài ra khái niệm “thể chế” cũng được một số tác giả định nghĩa, trong đó chủ yếu tập trung vào khả năng ảnh hưởng đến hành vi và mối quan hệ con người của con người trong tổ chức. Barley và Tolbert (1997) xác định thể chế là “các quy tắc xác định chung các tác nhân xã hội và các hoạt động hoặc mối liên hệ giữa chúng” (trang 96). Burns và Scapens (2000) cũng xác định thể chế là “các giả thiết chung nhằm xác định, đánh giá các hoạt động của con người và mối liên hệ giữa các hoạt động này” (trang 8). Cả hai định nghĩa đều đề cập đến các hoạt động và mối quan hệ của các cá nhân và sự ảnh hưởng của các thể chế xã hội tới các hoạt động và mối quan hệ này. Theo đó, các tác giả giải thích ảnh hưởng của thể chế xã hội đối với các hành động cá nhân trong các doanh nghiệp thông qua một số yếu tố như ngôn ngữ, quy tắc chung,…
Scott (1995) đưa ra khái niệm “thể chế” chi tiết và bao quát hơn. Cụ thể, “thể chế là các cấu trúc xã hội đã đạt được mức độ phát triển cao điển hình như các yếu tố văn hoá-nhận thức, quy chuẩn, các hoạt động liên quan và các nguồn lực, … Những yếu tố này mang lại sự ổn định, đảm bảo và ý nghĩa cho xã hội. Các thể chế được lưu truyền bởi nhiều phương thức khác nhau, bao gồm các hệ thống biểu tượng, hệ thống quan hệ, thói quen, và các văn bản. Các thể chế hoạt động ở các cấp thẩm quyền khác nhau, từ thế giới đến các mối quan hệ giữa các cá nhân trong nước” (trang 33). Theo quan niệm này, thể chế là các cấu trúc xã hội, các mô hình quản lý lâu dài, ổn định nhưng dễ bị thay đổi và hoạt động khi triển khai từ cấp độ vĩ mô đến cấp vi mô. Thể chế cũng là một đặc điểm để phân biệt các doanh nghiệp vì các doanh nghiệp khác nhau có các thể chế khác nhau.
1.2. Thể chế chính thức và phi chính thức
Theo North (1990), thể chế được chia thành 2 loại, bao gồm thể chế chính thức và thể chế phi chính thức (Formal and Informal Institutions). Thể chế chính thức là chính sách bằng văn bản, luật pháp và các quy định được cơ quan quyền lực nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện. Chúng cũng bao gồm các quy tắc trong các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội,… (North, 2005). Trong đó, quy tắc có quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, ví dụ như quy tắc chính trị có khả năng tác động tới các quy tắc kinh tế và ngược lại. Bên cạnh đó, các thể chế chính thức thể hiện sự phân cấp rõ rệt: “từ hiến pháp, luật lệ và luật pháp thông thường, các luật lệ cụ thể, và cuối cùng là các hợp đồng cá nhân” (North, 1990).
Thể chế phi chính thức là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức và các hiệp ước, công ước được kí kết tự nguyện. Mặc dù không được ban hành chinhs thức, tuy nhiên các quy tắc này được xã hội thừa nhận, tạo thành chuẩn mực văn hóa chung của một doanh nghiệp hoặc quốc gia. Thể chế phi chính thức cũng là một nguồn quan trọng trong xây dựng thể chế chính thức. Đồng thời, đây cũng là công cụ quan trọng, kết hợp song song với thể chế chính chức nhằm thực hiện các chức năng quản lý. Các thể chế phi chính thức tồn tại để điều phối các hoạt động có tính lặp lại của con người, cụ thể như: mở rộng, xây dựng và sửa đổi các quy tắc chính thức; các hành vi sai trái; và các tiêu chuẩn phải tuân theo.
2. Quan điểm thể chế cổ điển
Học thuyết thể chế cổ điển (Old institutional theory or old institutionalisme) xuất hiện ở Đức và Áo vào cuối thế kỷ 19 trong các cuộc tranh luận về việc sử dụng phương pháp khoa học của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội. Menger (1883/1963) nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động phát triển hệ thống quy tắc chung cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó học thuyết thể chế là hiện tượng xã hội quan trọng cần được nghiên cứu và phát triển. Các thể chế xã hội là động lực phát triển xã hội. Vào cuối những năm 19 và đầu thế kỷ 20, một số nhà nghiên cứu đưa ra các quan điểm các mô hình thể chế kinh tế khác nhau. Veblen (1919) cho rằng, toàn bộ nền kinh tế nói chung và mọi hành vi cá nhân nói riêng đều có thể được điều chỉnh bởi các quy tắc, thể chế. Tác giả định nghĩa thể chế là “các thói quen, các tục lệ chung được xã hội chấp nhận “(Veblen, 1919, trang 239). Tư tưởng cơ bản của trường phái thể chế là đề cao vai trò của các thể chế xã hội trong sự phát triển kinh tế. Quan điểm đầu tiên về thể chế không thừa nhận tác động của các quy luật kinh tế khách quan, không phân tích sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mà chỉ phân tích sự tiến hóa của tư liệu sản xuất.
Nội dung chi tiết của quan điểm cổ điển về thể chế xin xem thêm các bài viết dưới đây:
2.1. Mô hình thể chế của Selznick
2.2. Quan điểm thể chế của Parson
2.3. Quan điểm hành vi
2.4. Quan điểm nhận thức
3. Quan điểm thể chế hiện đại
Quan điểm thể chế hiện đại (New or neo-institutional theory or new institutionalisme) được xây dựng dựa trên ba nghiên cứu chính của John Meyer và Brian Rowan (1977), DiMaggio và Powell (1982); và của Zucker (1977). Tuy nhiên, giữa 3 quan điểm của các học giả này tồn tại một số mâu thuẫn nhất định. Trong khi hai nghiên cứu đầu tiên coi môi trường của một tổ chức là nguồn cho các thể chế, thì Zucker coi chính thể chế là một nguồn thúc đẩy sự phát triển của tổ chức.
Nội dung chi tiết của quan điểm thể chế hiện đại xin xem thêm các bài viết dưới đây:
3.1. Sự khác nhau giữa quan điểm thể chế cổ điển và hiện đại
3.2. Ba cơ chế thay đổi đồng hình theo thể chế
3.3. Ba trụ cột của thể chế
3.4. Bối cảnh văn hóa của quá trình thể chế hóa
3.5. Thay đổi không đồng hình thể chế
Nguồn: Phan Thanh Tú, Vũ Mạnh Chiến, Phạm Văn Kiệm, Lưu Đức Tuyến, Nguyễn Thị Hồng Nga (2018), “Chương 4: Thuyết thể chế”, trong sách Học Thuyết Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội, trang 69-88.
4 Th2 2019
4 Th2 2019
4 Th2 2019
4 Th2 2019
4 Th2 2019
1 Th2 2019