Khái niệm “VUCA” dùng để mô tả về thế giới “đa cực”, được xác lập khi thỏa 4 điều kiện: Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity). Khái niệm này được Trường Chiến tranh Quân đội Mỹ công bố vào đầu những năm 90 để mô tả về thế giới “đa cực” xuất hiện sau Chiến tranh Lạnh. Lần gần đây nhất thế giới của chúng ta rơi vào tình trạng VUCA là trong thời gian diễn ra các cuộc khủng hoảng tài chính dịch bệnh.
1. Định nghĩa và bản chất môi trường VUCA
Trong sản xuất kinh doanh, môi trường VUCA tiềm ẩn những rủi ro hay thách thức, và cũng định hình các thời cơ đối với doanh nghiệp. Để nắm bắt được thời cơ và giảm thiểu rủi ro, các nhà quản trị cần hiểu rõ về bản chất môi trường hoạt động của doanh nghiệp, có các đặc điểm cơ bản của môi trường cạnh tranh hiện đại VUCA ngày nay, gồm:
Môi trường, với các yếu tố cấu thành của nó, không cố định mà linh động, thường xuyên biến đổi (dynamic and ever-changing or Volatility): Các yếu tố từ vĩ mô (công nghệ, pháp luật, điều kiện kinh tế – xã hội) cho đến nội tại (nhân sự, nhu cầu, cấu trúc …) đều biến đổi không ngừng theo biến đổi của xã hội; các yếu tố này thậm chí ngày càng biến động nhanh và rõ nét hơn trong xã hội hiện đại (Bodenhausen và Peery, 2009). Các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những biến đổi của các yếu tố liên quan sẽ có cơ hội phát triển, và ngược lại.
Môi trường mang tính không chắc chắn (Uncertainty): Rất khó có thể dự đoán được những thay đổi sẽ diễn ra trong tương lai vì môi trường luôn biến động không ngừng. Nói cách khác, doanh nghiệp không thể kiểm soát được những thay đổi của môi trường, do đó, chỉ có thể nỗ lực tối đa để kiểm soát nó trong khả năng giới hạn của mình. Ví dụ, trong lĩnh vực thời trang, các kiểu mẫu được thay thế thường xuyên, trong khi khủng hoảng kinh tế, chính trị và dịch bệnh cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Môi trường hoạt động rất khó phân tích vì tính phức tạp tiềm ẩn trong nó (Complexity of environment) do cấu thành bởi rất nhiều yếu tố, sự kiện, điều kiện, lực lượng ảnh hưởng từ nhiều nguồn khác nhau, đồng thời lại có sự tương tác phi tuyến tính và phụ thuộc đan chéo qua lại lẫn nhau (inter-relatedness) giữa các yếu tố, và giữa các nhóm yếu tố cấu thành môi trường. Dẫn đến hầu như không thể kiểm soát một cách có chủ ý được môi trường hoạt động của doanh nghiệp (Schick và cộng sự, 2017). Ví dụ, thay đổi quan điểm chính trị sẽ dẫn đến luật pháp, chính sách thuế, điều kiện thị trường, công nghệ … có thể cũng thay đổi theo. Hay sự du nhập văn hóa phương tây khiến nhu cầu thị hiếu của khách hàng phương đông cũng dần thay đổi. Do đó, mọi yếu tố đều phải được phân tích trong mối quan hệ đan chéo qua lại với nhau, để dự kiến được tác động của chúng đến doanh nghiệp.
Đồng thời. tác động giữa doanh nghiệp và môi trường bên ngoài là tương tác hai chiều, có ảnh hưởng qua lại và phụ thuộc lẫn nhau (inter-dependence). Các yếu tố môi trường bên ngoài ảnh hưởng tới doanh nghiệp tạo ra cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp. Đồng thời, hoạt động sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp cũng tác động ngược lại tới khách hàng, nhà cung cấp, các bên liên quan, … từ đó tác động ngược lại tới môi trường bên ngoài. Do đó, dung hòa mối quan hệ giữa môi trường bên ngoài và doanh nghiệp là nghệ thuật tạo nên sự thành công của doanh nghiệp.
Môi trường và những biến động của nó luôn mơ hồ và không rõ ràng (Ambiguity). Nhìn chung, không thể hiểu và phân tích rõ ràng được các yếu tố cấu thành môi trường và các quan hệ giữa chúng, bởi chúng biến động không ngừng và quan hệ tương tác đan chéo nhau. Điều này tương tự như tính không chắc chắn (uncertainty), nhưng lại có sự khác biệt. Tình trạng không chắc chắn xuất hiện khi các thông tin cần thiết không sẵn có hoặc không thể xác định được; trong khi tình trạng mơ hồ xảy đến khi các thông tin đều sẵn có nhưng vẫn không thể hiểu được tổng thể về môi trường (Bodenhausen và Peery, 2009).
2. Doanh nghiệp cần làm gì trong môi trường VUCA
Trong bối cảnh VUCA, để tồn tại và phát triển doanh nghiệp cần:
Thứ nhất, xây dựng một tầm nhìn, nhận thức dài hạn để dẫn dắt, gắn kết toàn bộ nội bộ tổ chức hướng tới mục tiêu. Một tầm nhìn đúng giúp đưa ra những quyết định nhanh chóng và chính xác; lên kế hoạch nhằm thực hiện chiến lược và quyết định; đưa ra chiến lược phản ứng với khủng hoảng; gắn kết, truyền thông thực hiện trong toàn bộ tổ chức; dẫn dắt và cải tiến toàn bộ tổ chức để thực hiện kế hoạch. Nhìn xa hơn, nếu doanh nghiệp biết tận dụng thời điểm này, sẽ có thể thúc đẩy các giá trị chuyển đổi vượt bậc trong tương lai.
Thứ hai, để đối diện và hiểu rõ bản chất của bất ổn, doanh nghiệp cần chuẩn bị cho sự thay đổi bao gồm: Giám sát và theo dõi các xu hướng, đối thủ cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Điều này nhằm giúp tổ chức có thể xác định các mẫu và biến số sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận hành và kinh doanh của doanh nghiệp. Dựa vào thông tin đã được xây dựng, doanh nghiệp trở nên sẵn sàng và bắt tay vào triển khai nhanh chóng những hành động trong giai đoạn khó khăn.
Cuối cùng, với những viễn cảnh tương lai phức tạp và mơ hồ, doanh nghiệp cần xây dựng cho mình khả năng linh hoạt và thích ứng, trong tâm thế luôn đề phòng và đưa ra những hành động quyết định nhanh chóng, thích ứng nhanh nhất có thể, nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh, để đạt được lợi thế cạnh tranh bền vững.
8 Th12 2019
9 Th9 2019
1 Th12 2019
16 Th2 2020
9 Th9 2019
1 Th12 2019