Cuộc chiếm chiếm ngôi Mai Linh của Vinasun khẳng định: Một nghề cho chín hơn chín nghề

Ngày 1.7.2012, bốn địa điểm đón khách tại các khách sạn Legend, Movenpick, Riverside và bệnh viện FV ở TP.HCM đã về tay Vinasun sau một thời gian thuộc quyền kiểm soát của Taxi Mai Linh. Với những vị trí mới này, Vinasun đã nâng số điểm đón khách lên gần 900, bao gồm các khách sạn, nhà hàng, nhà ga, sân bay, bệnh viện…

Đây chính là con đường mà Vinasun tăng trưởng thị phần taxi tại TP.HCM liên tục trong những năm qua. Một chiến lược mang dấu ấn của ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinasun. Không chỉ với chiến lược giành thị trường bằng việc chiếm những chỗ đậu xe có nhiều khách, theo ông Thành, việc tập trung hóa vào từng khu vực và chỉ phát triển lĩnh vực cốt lõi đã giúp Vinasun vươn lên chiếm thị phần cao nhất tại TP.HCM với hơn 45%.

1. Chiến lược đoạt ngôi

Taxi được ông Thành lựa chọn là lĩnh vực kinh doanh bền vững sau khi đã làm ăn phát đạt nhờ bất động sản. Vào những năm 2000 buôn bán bất động sản là lĩnh vực vô cùng nóng. Theo như lời của ông Thành là sáng mua căn nhà 300 lượng vàng, chiều có thể sang tay 600 lượng.

Vinasun ra đời vào năm 2003, thời điểm các hãng taxi như Vinataxi, Mai Linh nắm giữ phần lớn thị trường. Thị phần của từng hãng đã được xác lập, phân định rõ ràng và gần như họ khá yên tâm với chiến thắng của mình. Khả năng cạnh tranh của các hãng taxi mới ra đời như Vinasun là rất khó khăn.

27 chiếc xe Toyota mới đã được ông Thành nhập về trong năm 2003. Đây là dòng xe hiện đại nhất trong các loại xe taxi thời bấy giờ. Việc đầu tư vào dòng xe chất lượng cũng được ông Thành thực hiện xuyên suốt sau đó. Trước năm 2008 là dòng xe Zace, sau đó là Innova J và Innova G. Hiện Vinasun đã có khoảng 1.867 xe Innova G.

“Các đối thủ đã ngủ quên trên chiến thắng trong khi với chất lượng xe đồng nhất luôn được nâng cấp đã lôi kéo nhiều khách hàng của các đối thủ về với chúng tôi”, ông Thành cho biết.

Bên cạnh việc phát triển dòng xe chất lượng, là người đi sau, ông Thành đã có cách phát triển theo kiểu rất biết mình biết ta. Đó là phát triển tập trung. Ông chỉ tập trung khai thác tối đa những đô thị lớn phía Nam có nhu cầu sử dụng taxi cao.

Thực tế cho thấy, chiến lược này của ông đã thành công, nếu so sánh hiệu quả kinh doanh với đối thủ lớn nhất là Mai Linh. Mặc dù chỉ hoạt động tại 4 địa bàn ở phía Nam, chủ yếu là TP.HCM nhưng Vinasun vẫn tăng trưởng rất nhanh. Trong khi việc đầu tư dàn trải trên địa bàn rộng lớn đã khiến Mai Linh thua lỗ.

Hiện nay, TP.HCM có khoảng 13.000 xe taxi của 36 hãng. Tuy nhiên, theo ông Thành, với 4.300 xe Vinasun đã chiếm đến 45% thị trường (tính theo số km chạy được). 55% còn lại được xem là của Mai Linh và 34 hãng xe khác.

2. Hiệu quả từ chiến lược tập trung hóa

Giống như nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong những năm bùng nổ của thị trường tài chính, ông Thành cũng tham gia các lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, đầu tư tài chính. Tuy nhiên, một số góp ý về chiến lược của các tổ chức nước ngoài đã giúp ông kịp rút lui trước khi quá muộn. “Bỏ hết các lĩnh vực râu ria như nhà hàng, bất động sản và tập trung vào lĩnh vực taxi”. Đó là lời khuyên đúng đắn nhất của Temaseck Holding dành cho Vinasun”, ông Thành thừa nhận.

Tuy nhiên, với nhiều chiến lược khác, ông Thành cho thấy ông là một thuyền trưởng rất vững vàng của Vinasun. Việc tài trợ vốn là một ví dụ.

Từ trước đến nay, vốn để đầu tư xe của Vinasun chủ yếu là từ vốn chủ sở hữu thông qua việc giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, kết hợp với huy động một lượng nợ vay cân đối. Cách làm này cho thấy một tầm nhìn xa cũng như việc tiên liệu được thị trường của ông Thành. “Vay là làm không công cho ngân hàng”. Đó là câu trả lời của ông khi được hỏi về việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Hay như Vinasun đã đầu tư thêm 1.052 xe Toyota khi kinh tế khủng hoảng vào năm 2008. “Chúng tôi nhìn thấy cơ hội vươn lên chiếm lĩnh thị trường do các đối thủ đang co cụm”, ông Thành nói.

3. M&A và bài toán sở hữu

Cuộc đấu tranh để xưng vương trong lĩnh vực taxi tại thị trường miền Nam được xem như đã ngã ngũ với phần thắng thuộc về Vinasun. Thế nhưng, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ là bài toán được đặt ra với Hãng cho những giai đoạn kế tiếp. Hiện nay, lượng taxi tại TP.HCM của Vinasun đã vượt số lượng cho phép đến năm 2020. Do đó, Vinasun khó có thể tăng lượng xe tại khu vực này.

Tuy nhiên, Hãng vẫn còn nhiều cơ hội, nhất là khi việc thu phí lưu hành xe (20 triệu đồng/chiếc/năm) được ban hành. Theo dự báo của Vinasun, đối với phần còn lại của thị trường taxi, đặc biệt là các hãng taxi nhỏ, hãng xe sử dụng thương quyền sẽ gặp khó khăn. Và khi đó Vinasun sẽ có cơ hội thâu tóm. “2012 Vinasun xác định là năm trụ cho năm 2013 phát triển vững vàng. Cuối năm 2013 Vinasun sẽ thâu tóm một số doanh nghiệp taxi tại TP.HCM để tiếp tục tăng trưởng”, ông Thành cho biết.

Trong 36 hãng taxi tại miền Nam, Airport Taxi là đối tượng hấp dẫn nhất mà Vinasun đang muốn thâu tóm. Hãng này có khoảng 600 xe và đang nắm giữ một địa điểm tốt là sân bay Tân Sơn Nhất. Theo ông Thành, năm 2010, Airport Taxi đã đề nghị bán cổ phần cho Vinasun. Tuy nhiên, vì Airport Taxi là hãng xe của Nhà nước, thủ tục quá phức tạp nên Vinasun đã chuyển sang một chiến lược khác là đầu tư thêm 1.200 chiếc taxi.

Năm 2010, để tiến ra thị trường Đà Nẵng, Vinasun đã mua lại 180 thương quyền taxi của hãng Green sau đó đổi tên thành Vinasun Green. Và theo ông Thành, cách thâu tóm này đối với Airport Taxi hay các hãng khác trong tương lai cũng là chỉ mua lại thương quyền, sau đó đầu tư xe mới để đồng bộ chất lượng xe.

Các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam là thông tin rất ít được doanh nghiệp chia sẻ. Vì sao Vinasun lại công bố chiến lược của mình?

Tăng trưởng của Vinasun dựa vào 3 yếu tố: tăng xe, mở rộng địa bàn, tăng doanh thu bình quân ngày. Hiện 2 trong 3 yếu tố này đã gần như đạt đỉnh. Trong khi đó, kinh doanh taxi tại Việt Nam lại có lợi nhuận không cao, thậm chí theo cách gọi của ông Thành là “mỏng như lá lúa”. Do vậy để phát triển, M&A là con đường nhanh nhất.

Thâu tóm những thương hiệu taxi khác lúc này là trong tầm tay của Vinasun, nhưng lại là thời điểm chưa thuận lợi cho ông Thành. Theo ông, hiện giá trị một cổ phiếu của Vinasun là 25.000 đồng, nhưng các đối tác chiến lược sẵn sàng mua 35.000 đồng nếu Vinasun phát hành thêm cổ phiếu. Do vậy, chỉ cần phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu là Vinasun sẽ có đủ tiền để đi thâu tóm.

Nhưng vấn đề đặt ra là gia đình ông có thể sẽ không còn kiểm soát được Công ty nữa. “Mình đi thâu tóm người ta, nhưng nước ngoài lại thâu tóm mình thì cũng như không. Tôi thà chọn thị phần to trong chiếc bánh nhỏ”, ông Thành nói.

Hiện gia đình ông Thành nắm giữ khoảng 40% cổ phần của Vinasun và vẫn đang tìm cách nâng tỉ lệ sở hữu. Có lẽ việc mua thêm gần 1 triệu cổ phiếu của ông Thành trong tháng 5 vừa qua là nằm trong kế hoạch này.

Bên cạnh việc tăng trưởng thị phần tại TP.HCM bằng M&A, theo ông Thành, Vinasun còn có thể tăng trưởng bằng cách phát triển thêm ở những thị trường khác. Tuy nhiên, chọn thị trường nào mới là vấn đề, nếu không muốn phải rơi vào cảnh bị phân tán. “Hiện nay, Vinasun đã phát triển mạnh ở thị trường Cần Thơ. Trong tương lai sẽ mở rộng sang các tỉnh lân cận và có thể sẽ tiến ra Bắc”, ông Thành tiết lộ.

Xem thêm các chiến lược khác & các ví dụ khác tại đây.

Tài liệu tham khảo

Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 102 – 103.