Chiến lược chi phí thấp hay dẫn đầu về chi phí

Để chiến thắng đối thủ cạnh tranh, không ít doanh nghiệp đã chọn cho mình chiến lược chi phí thấp. Khi mới ra đời vào thập niên 1950 và 1960, một số nhà bán lẻ ở Mỹ như E.J.Korvette hay Kmart đã chiếm lĩnh thị trường từ tay các cửa hàng bách hóa truyền thống và các cửa hàng đặc chủng. Thành công của họ đến từ việc cung cấp các sản phẩm với giá thấp và họ luôn tìm mọi cách để cơ cấu chi phí của mình ở mức thấp. Tuy nhiên, cả hai nhà bán lẻ này về sau đều bị thay thế bởi Wal-Mart và Target vì hai công ty đó có thể thực hiện chiến lược chi phí thấp hiệu quả hơn rất nhiều.

Chìa khóa mang lại thành công cho chiến lược này là đem lại giá trị mà khách hàng mong đợi ở mức chi phí có thể đảm bảo được khả năng sinh lợi thỏa đáng cho doanh nghiệp. Đối với những hàng hóa thông thường hay những sản phẩm không có gì khác biệt, giá trị mà khách hàng sẵn sàng chi trả thường là cố định. Vì vậy, doanh nghiệp phải tối thiểu hóa chi phí của mình để tạo khả năng sinh lợi cao hơn. Thông thường, họ làm điều này bằng việc ép nhà cung ứng giao hàng ở mức giá thấp.  Đối với Wal-Mart, họ thực hiện điều này tốt hơn tất cả các nhà bán lẻ khác tại Mỹ. Chiến lược này không chỉ được áp dụng đối với các sản phẩm hữu hình mà còn áp dụng cho cả những sản phẩm thuộc ngành dịch vụ. Một ví dụ điển hình ở Việt Nam là Viettel, doanh nghiệp luôn đứng đầu về cung cấp dịch vụ ở mức giá thấp trong lĩnh vực viễn thông.

Chiến lược chi phí thấp (cost leadership strategy) nhấn mạnh tính hiệu quả, nhằm mục tiêu giành thị phần bằng cách bán sản phẩm với mức giá thấp nhất trong đoạn thị trường mục tiêu. Để vẫn thu được lợi nhuận và đạt được tỉ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư cao, công ty phải áp dụng sản xuất một khối lượng lớn các sản phẩm tiêu chuẩn nhằm tận dụng lợi thế theo quy mô và tác động của đường cong kinh nghiệm. Chiến lược dẫn đầu chi phí thấp chỉ áp dụng được đối với những doanh nghiệp lớn có khả năng sử dụng lợi thế kinh tế theo quy mô với khối lượng sản xuất và thị phần lớn, có năng lực quản lí tốt và có chính sách giá linh hoạt.

Doanh nghiệp có thể đat được điều đó bằng cách áp dụng một số biện pháp sau:

1. Cải tiến không ngừng

Người Nhật đã phát triển triết lý Kaizen – cải tiến không ngừng – nhằm có được vị trí dẫn đầu trong sản xuất. Kaizen khuyến khích tất cả mọi người từ lãnh đạo đến nhân viên tìm cách cải thiện không ngừng những gì mà họ đang làm. Mỗi một cải tiến nhỏ làm giảm chi phí, khi cộng dồn lại theo thời gian sẽ giúp doanh nghiệp có được lợi thế đáng kể.

2. Chuyên môn hóa

Chúng ta đều biết rằng một người sẽ thực hiện công việc nhanh hơn, ít sai sót hơn khi thường xuyên làm công việc ấy. Trong một dây chuyền sản xuất, lắp ráp, người công nhân thường xuyên thực hiện một thao tác nhất định sẽ thành thục và ít sơ suất hơn. Chính vì lẽ đó, nhiều doanh nghiệp thường chỉ đào tạo nhân viên của mình làm ở một vị trí nhất định. Khi kỹ năng của họ chín muồi và tùy vào khả năng, họ mới được luân chuyển sang vị trí khác hoặc thăng tiến.

3. Xây dựng dây chuyền cung ứng

Hãng máy tính Dell thành công là nhờ mô hình kinh doanh cung cấp máy tính trực tiếp cho khách hàng, bỏ qua khâu trung gian. Doanh nghiệp này cũng loại bỏ được vấn đề tồn kho thành phẩm do chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng.  Dây chuyền cung ứng của Dell bao gồm từ nhà cung ứng linh kiện, người lắp ráp cho tới các dịch vụ hậu cần. Tất cả đều được kết nối kỹ thuật số để thông tin về đơn hàng nhanh chóng được diễn giải thành sản xuất và giao hàng. Dây chuyền cung ứng của Dell có khả năng cung cấp máy tính theo nhu cầu tới tận tay khách hàng trong một tuần. Điều này giúp họ loại bỏ chi phí tồn kho và chi phí phát sinh trong khâu trung gian, giúp họ dẫn đầu về chi phí thấp trong lĩnh vực này.

4. Cải tiến sản phẩm

Doanh nghiệp có thể giảm một khoản chi phí khổng lồ thông qua việc cải tiến sản phẩm. Trên thực tế, rất nhiều sản phẩm được chế tạo nhựa nguyên sinh thay thế cho các sản phẩm bằng kim loại với giá thành rẻ và trọng lượng nhẹ hơn. Việc ra đời của các vật liệu nhân tạo cũng góp phần làm giảm chi phí nguyên liệu đầu vào trong sản xuất.

Để áp dụng chiến lược chi phí thấp thành công, doanh nghiệp cần phải có một kế hoạch kỹ lưỡng và một cơ cấu tổ chức tốt. Xét cho cùng, cạnh tranh trên thương trường vẫn là cuộc cạnh tranh về chất xám giữa con người với con người. Tùy vào tình hình cụ thẻ, bạn có thể lựa chọn một hoặc kết hợp giữa bốn biện pháp trên để chèo lái con thuyền của mình đến bến bờ thành công.

Xem thêm các chiến lược khác & các ví dụ khác tại đây.

Tài liệu tham khảo

Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Lao Động – Xã Hội.

Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 100 – 101.