Đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU)

Để tiến hành lập kế hoạch và quản lý có hiệu quả, các nhà quản trị chiến lược cần xác đinh hay chia các hoạt động của doanh nghiệp thành các đơn vị sản xuất các sản phẩm chính, các nhóm sản phẩm liên quan, hay các bộ phận thị trường. Các bộ phận thị trường đó được gọi là các đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU) của công ty.

Đơn vị kinh doanh chiến lược là một đơn vị kinh doanh riêng biệt, có đầy đủ chức năng trong doanh nghiệp, có tầm nhìn, sứ mệnh, định hướng chiến lược riêng, có các đối thủ cạnh tranh riêng và có bộ máy quản lý riêng. Mỗi một đơn vị kinh doanh chiến lược có thể sản xuất một loại sản phẩm chính hay một nhóm các sản phẩm liên quan; và là một thành phần quan trọng của tổ chức; mọi hoạt động luôn được cập nhật báo cáo với ban lãnh đạo. Các SBU hoạt động như một đơn vị độc lập theo trọng tâm riêng, hướng vào thị trường mục tiêu riêng của mình và đủ lớn để duy trì các chức năng nội bộ riêng như tài chính, nhân sự, marketing… Quan hệ giữa các SBU khác nhau dựa trên (1) kế hoạch, chỉ đạo của ban lãnh đạo nếu trong phạm vi doanh nghiệp hoạch toán độc lập; (2) hoặc trên cơ sở hợp đồng kinh doanh cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo hợp đồng nếu mỗi SBU là một đơn vị kinh doanh hoạch toán độc lập. Một số ví dụ các tiêu chí xác định SBU được trình bày trong bảng dưới đây:

Bảng 1: Tiêu chí xác định SBU trong doanh nghiệp

Tiêu chí Ví dụ
1. Các sản phẩm/dịch vụ khác biệt hóa về công nghệ Doanh nghiệp sản xuất nước giải khát: SBU Nước cola; SBU Nước chanh
2. Các sản phẩm/dịch vụ khác biệt hóa theo công dụng Doanh nghiệp dược phẩm: SBU Thuốc điều trị bệnh cao huyết áp; SBU Thuốc điều trị bệnh cúm
3. Các sản phẩm/dịch vụ khác biệt hóa theo vị thể trong chuỗi giá trị của ngành Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh giày dép: SBU Sản xuất giày dép; SBU Các cửa hàng bán lẻ giày dép
4. Các sản phẩm/dịch vụ khác biệt hóa theo nhãn hiệu hay tiếp thị Doanh nghiệp sản xuất thuốc lá: SBU Nhãn A; SBU Nhãn B
5. Khác biệt hóa theo phân loại khách hàng Doanh nghiệp sản xuất café: SBU Bán lẻ cho khách hàng cá nhân; SBU Phân phối cho các nhà hàng, khách sạn…
6. Khác biệt hóa theo phân đoạn thị trường Doanh nghiệp sản xuất đệm: SBU sản phẩm cao cấp giá cao dành cho khách hàng chuộng chất lượng và hình thức, được bán dưới thương hiệu uy tín; SBU sản phẩm bình dân giá thấp, có nhãn hàng riêng.

Trong doanh nghiệp, SBU là trung tâm lợi nhuận hoạt động cung cấp sản phẩm trên thị trường mục tiêu của mình. Mặc dù là một phần của tổ chức nhưng các SBU thường có những kế hoạch marketing, phân tích đối thủ cạnh tranh và chiến dịch marketing riêng. Một SBU có thể là một đơn vị kinh doanh trong các doanh nghiệp lớn, hoặc là đơn vị kinh doanh hoặc một chi nhánh của doanh nghiệp. Một tập đoàn gồm nhiều SBU, trong đó mỗi SBU chịu trách nhiệm về lợi nhuận của riêng mình. Ví dụ, General Electric, tập đoàn điện lực Hoa Kỳ, là một công ty được cấu thành gồm 49 SBU. Các SBU có hoạt động quản lí riêng và tự chịu trách nhiệm với công ty mẹ.

Có hai tiêu chí để xác định SBU khi phát triển chiến lược cấp đơn vị kinh doanh trong doanh nghiệp. Thứ nhất là tiêu chí bên ngoài. Các SBU được xác định căn cứ theo bản chất thị trường của các bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp. Hai bộ phận của doanh nghiệp được xem là hai SBU nếu không cùng hướng đến một tập khách hàng, không cùng đối đầu với một tập hợp các đối thủ cạnh tranh. Thứ hai là tiêu chí nội bộ; xác định SBU căn cứ vào năng lực chiến lược, cụ thể là các nguồn lực của doanh nghiệp. Hai bộ phận của của doanh nghiệp được xem là hai SBU nếu có các sản phẩm, dịch vụ khác nhau; sản xuất dựa trên công nghệ khác nhau và chia sẻ nguồn lực khác nhau. Ví dụ, trong công ty KODAK, SBU cung cấp sản phẩm dựa trên film khác với SBU cung cấp sản phẩm dựa vào công nghệ kĩ thuật số mặc dù cùng hướng đến một đối tượng khách hàng và thông qua cùng kênh phân phối; Công ty General Motor có các SBU như sau: Motơ điện, các thiết bị dùng điện chính, thiết bị y tế, thiết bị chiếu sáng, động cơ phản lực¼; Công ty Bưu chính Anh bao gồm 3 SBU: Royal Mail, Parcel Force và Counter Co. Ltd.

Trên cơ sở các SBUs, nhà quản trị chiến lươc áp dụng một, hay một số, hoặc tất cả các công cụ phân tích sau đây, để xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng SBU, cũng như quản trị danh mục kinh doanh tổng thể của doanh nghiệp.

Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 183 – 139.