Giảm quy mô lao động (downscaling) – chiến lược thu hẹp kinh doanh của doanh nghiệp

Cắt giảm quy mô lao động là một trong ba hình thức thu hẹp kinh doanh. Quá trình giảm quy mô liên quan đến những thay đổi vĩnh viễn về quy mô việc làm và năng lực tài nguyên hữu hình của doanh nghiệp. Cụ thể, năng lực tài nguyên hữu hình giảm đồng nghĩa giảm lực lượng lao động vận hành chúng; từ đó cho phép doanh nghiệp dễ dàng và khả thi hơn để duy trì sự tồn tại và tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đa phần lựa chọn hình thức này là các doanh nghiệp đang phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt trên thị trường từ những đối thủ trực tiếp đang không ngừng mở rộng thị phần, hoặc các doanh nghiệp muốn tăng hiệu quả hoạt động thông qua biến động cơ cấu lực lượng lao động.

Ví dụ điển hình về cắt giảm quy mô lao động là General Motos cùng các đối thủ là Ford và Chryles, vốn được mệnh danh là 3 “ông lớn” trong ngành sản xuất ô tô, đã đồng loạt sa thải nhận viên trước thực trạng doanh số bán hàng giảm nghiêm trọng và khủng hoảng kinh tế xảy ra. Cụ thể, GM đã sa thải từ 75.000 đến 100.000 công nhân chỉ trong khoảng thời gian một năm rưỡi (từ năm 2008 đến năm 2010) cùng với các đại lý đóng cửa hàng loạt. Ví dụ khác là tập đoàn Boeing; trong 5 năm giai đoạn 1997 – 2002, tập đoàn này đã sa thải khoảng 55.000 lao động; nhưng đồng thời cũng hợp tác với chính phủ mở ra các Trung tâm tái nghiệp, đào tạo lại cho các lao động bị sa thải này để có thể tìm công việc mới. Tương tư, General Electric thời CEO Jack Welch, chỉ trong 7 năm, ông đã sa thải hơn 100.000 người, và được đánh giá là “chiến lược duy trì sự xuất sắc” của Welch khi sa thải khoảng 10% nhân viên “kém hiệu quả” mỗi năm.