Chiến lược thu hẹp kinh doanh của General Motors

Cuối năm 2018, General Motors (GM), tiếp tục thực hiện chiến lược thu hẹp kinh doanh, thông báo sa thải 14.000 nhân viên tại Bắc Mỹ. Cắt giảm nhân sự đôi khi bị hiểu nhầm rằng doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Nhưng trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của GM rất tốt: đạt doanh thu 20,7 tỷ USD năm 2017; hơn 10,6 tỷ USD năm 2016 và 7,9 tỷ USD năm 2015. Dòng tiền (cash flow) phục vụ sản xuất kinh doanh năm 2017 đạt 17 tỷ USD. Vậy, tại sao GM tiến hành cắt giảm nhân sự vào thời điểm này? Chúng ta hãy cùng phân tích bối cảnh bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.

Thị trường ô tô biến động mạnh mẽ trong thập kỷ này. Về thị hiếu khách hàng, ô tô điện do Cty Tesla lần đầu chào bán năm 2012 đánh dấu xu hướng tiêu dùng ô tô mới. Dự báo, doanh số xe ô tô điện tăng từ mức kỷ lục 1,1 triệu USD trên toàn thế giới năm 2017, sẽ lên 11 triệu vào năm 2025 và sau đó tăng lên 30 triệu USD vào năm 2030 khi dòng xe này phổ biến hơn, giá rẻ hơn so với xe động cơ đốt trong; ước tính đến năm 2040, xe điện sẽ chiếm 55% tổng doanh số bán xe mới. Mặt khác, xe không người lái, mặc dù còn nhiều hạn chế về công nghệ, bắt đầu trở thành mối đe dọa thực sự đối với thị trường xe ô tô động cơ đốt trong.

Về cạnh tranh, không còn chỉ các đối thủ sản xuất ô tô cạnh tranh trực tiếp với nhau, các doanh nghiệp dịch vụ cho thuê xe công nghệ như Uber, Lyft, Grab cũng tác động trực tiếp đến doanh thu bán hàng của các hãng này. Giờ đây, khách hàng không nhất thiết phải sở hữu xe ô tô khi mà ở bất kỳ đâu họ cũng dễ dàng tìm thấy một xe Uber, Grab gần đó, cho thuê cả có lái và không lái.

Hai nguy cơ tiềm ẩn này đang khiến thị trường xe hơi thay đổi toàn diện theo hướng “phần mềm và pin” sẽ dần thay thế động cơ đốt trong.

Trong bối cảnh đó, các hãng xe hơi như GM chuyển mình dừng sản xuất các dòng xe nhỏ như sedans, và ưu tiên các dòng xe đang được ưu chuộng như xe điện và các dòng SUV và CUV. Đồng nghĩa các hãng phải thay đổi công nghệ, xóa bỏ các nhà máy sản xuất công nghệ cũ và sản xuất các dòng xe lỗi thời. Mặt khác, để tăng hiệu suất lao động, GM tập trung vào các nhà máy đạt công suất tối đa, các nhà máy không đạt 100% công suất, kể cả sản xuất các dòng xe chiến lược, cũng có thể bị đóng cửa. GM định hướng nguồn nhân lực không chỉ chất lượng cao, còn phải phù hợp với các sản phẩm chiến lược ưu tiên của hãng. Và, thực hiện thu hẹp kinh doanh sa thải nhân sự là một phần trong chiến lược tái định vị chiến lược của General Motors.

Sa thải nhận sự đôi lúc mở ra cơ hội tái đầu tư: dòng tiền của doanh nghiệp lưu chuyển từ các sản phẩm không hoặc ít lợi nhuận, sang tài trợ các sản phẩm mới tiềm năng hơn, ví dụ xe ô tô điện như GM kỳ vọng. Về bản chất, gói đầu tư này tốt hơn so với tiếp tục duy trì hiện trạng; cho phép GM tiết kiệm 6 tỷ USD đến cuối năm 2020.

Để hạn chế tác động tiêu cực từ thu hẹp kinh doanh, GM triển khai chiến lược này tốt nhất có thể, theo ba bước cơ bản. Thứ nhất là thực hiện các đợt sa thải quy mô nhỏ. Cắt giảm 14 nghìn người là con số lớn, nhưng với một doanh nghiệp như GM có đến 180 nghìn người tính đến cuối 2017, con số số này chỉ chiếm 7% nguồn nhân lực của hãng. Thứ hai, GM đề xuất mua lại hợp đồng đến 17.770 lao động. Mặc dù chỉ có 2.250 người chấp nhận đề xuất này, nhưng đây cũng là một cách tiếp cận khéo léo hơn nhiều so với tiến hành sa thải quy mô lớn và/hoặc không thông báo. Thứ ba, GM đề xuất và thực hiện điều chuyển người lao động từ những nhà máy bị đóng cửa đến các nhà máy mới, tiềm năng hay tăng trưởng tốt hơn. Lao động bị cắt giảm cũng là cơ hội để người lao động định hướng lại nghề nghiệp; trong khi doanh nghiệp vẫn giữ chân hoặc phát triển được các năng lực cần thiết cho tương lai.