Quản trị chiến lược doanh nghiệp: khái niệm và bản chất

Khái niệm quản trị chiến lược ra đời như một quy luật tất yếu và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố kinh tế – xã hội khác nhau. Đây được xem là sự tiến hóa về lý thuyết tổ chức, và bắt đầu nhận được sự chú ý, cả về mặt học thuật và môi trường kinh doanh thực tế, từ những năm 1950. Khái niệm quản trị chiến lược thực sự phát triển vào những năm 1960 và 1970 với hàng loạt quan điểm khác nhau của các nhà nghiên cứu trên thế giới.

Theo Stead và Stead (2008), quản trị chiến lược có nguồn gốc từ hoạch định chiến lược doanh nghiệp, theo đó quản trị chiến lược “là một hệ thống, trong đó các nguồn lực kinh tế được áp dụng một cách hiệu quả thông qua các hoạt động chức năng được phối kết hợp trong doanh nghiệp nhằm tạo ra lợi nhuận”. Porth (2002) khẳng định quản trị chiến lược là sự phát triển cấp cáo của hoạch định chiến lược, “… bao hàm cả hoạch định và quản trị trong một quy trình”.

Ansoff and McDonnell (1990) cho rằng “quản trị chiến lược là một cách tiếp cận quản trị thay đổi có tính hệ thống, gồm: định vị doanh nghiệp thông qua chiến lược và hoạch định, thích ứng chiến lược cập nhật thông qua quản trị bất ổn, và quản trị một cách có hệ thống những thách thức trong quá trình thực hiện chiến lược”. Như vậy, quản trị chiến lược là quá trình xây dựng, thực hiện và đánh giá các quyết định cho phép tổ chức đạt được mục tiêu cuối cùng – tạo ra giá trị cho tổ chức (Porth, 2002).

Stead J. và Stead W. (2008) định nghĩa “quản trị chiến lược là một quy trình liên tục bao gồm các nỗ lực điều chỉnh doanh nghiệp của nhà quản trị chiến lược cho phù hợp với bối cảnh môi trường hoạt động, đồng thời phát triển lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp”. Lợi thế cạnh tranh cho phép doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội và tối thiểu hóa những đe dọa từ môi trường.

Một cách khái quát, khái niệm quản trị chiến lược là một thuật ngữ rộng, bao gồm việc xác định nhiệm vụ và mục tiêu của tổ chức trong bối cảnh môi trường bên trong và bên ngoài có nhiều thay đổi. Quản trị chiến lược (strategic management) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong doanh nghiệp, đòi hỏi sự tham gia của không chỉ một cá nhân hoặc một tập thể lãnh đạo trong doanh nghiệp.

Từ khi xuất hiện, khái niệm quản trị chiến lược phát triển nhanh chóng thông qua việc xây dựng các mô hình lý thuyết và thực nghiệm. Trong những năm 1960, tồn tại một số mô hình phân tích nổi bật như ma trận BCG, ma trận SWOT, Đường cong kinh nghiệm (the Experience Curve), và Phân tích danh mục đầu tư (Portfolio Analysis). Cùng với đó là sự ra đời hàng loạt khái niệm quan trọng như phân tích cấu trúc kinh tế (economic analysis of structure), hành vi và hiệu năng (behavior and performance), năng lực khác biệt (distinctive competences), các kỹ năng (skills), và hệ thống hoạch định chiến lược (strategic planning systems).

Ngày nay, quản trị chiến lược trở thành một trong những nội dung quan trọng nhất trong hoạt động quản lý. Quản trị chiến lược tạo nên một hệ thống, cho phép các nhà quản lý doanh nghiệp có định hướng phù hợp với môi trường kinh doanh, kế hoạch phát triển dài hạn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Với vai trò quan trọng như vậy, cho đến nay, có khá nhiều quan điểm khác nhau về quản trị chiến lược.

Quản trị chiến lược, về bản chất, tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc tạo ra giá trị bền vững và tìm kiếm lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp (Bowman và các cộng sự, 2002). Hơn nữa, quản trị chiến lược liên quan đến mối quan hệ phức tạp giữa mục tiêu tổ chức, kết quả thu được, và các yếu tố thuộc môi trường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.

Quản trị chiến lược được coi là xương sống của mọi quản trị chuyên ngành trong doanh nghiệp. Ở đâu cần có một hệ thống quản lý bài bản, chuyên nghiệp, được vận hành tốt, ở đó không thể thiếu quản trị chiến lược. Quản trị chiến lược không chỉ gắn liền với hệ thống quản trị ở cấp doanh nghiệp mà nó còn bao trùm tất cả các quản trị chức năng. Đây là một hoạt động diễn ra liên tục để xác lập và duy trì phương hướng chiến lược và hoạt động kinh doanh của một tổ chức; quá trình ra quyết định hàng ngày để giải quyết những tình huống đang thay đổi và những thách thức trong môi trường kinh doanh. Như một phần trong ý tưởng chiến lược về phát triển hoạt động kinh doanh, nhà chiến lược phải vạch ra một phương hướng cụ thể, tuy nhiên những tác động tiếp đó về mặt chính sách (như doanh nghiệp có mục tiêu hoạt động mới) hoặc tác động về mặt kinh doanh (như nhu cầu về sản phẩm tăng cao) sẽ làm phương hướng hoạt động của doanh nghiệp thay đổi theo chiều khác. Khi đó, nhà chiến lược sẽ phải quyết định xem nên có những hành động điều chỉnh để đi đúng hướng đã định hay đi theo một hướng mới. Tương tự như vậy, quản trị chiến lược cũng liên quan đến cách điều hành doanh nghiệp nếu các mối quan hệ với các đối tác thay đổi.

Dess và các cộng sự (2007) khẳng định “quản trị chiến lược của doanh nghiệp phải trở thành một quy trình và một hoạt động độc lập định hướng các hành động xuyên suốt doanh nghiệp. Bao gồm hoạt động phân tích, quyết định và hành động của doanh nghiệp nhằm tạo ra và bảo dưỡng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”. Quản trị chiến lược có 4 thuộc tính chính, bao gồm: (1) hướng tới mục tiêu tổng thể của tổ chức (directed towards the overall organization objectives), (2) có sự tham gia của nhiều bên liên quan trong việc ra quyết định (includes multiple stakeholders in decision-making), (3) đòi hỏi kết hợp các quan điểm ngắn hạn và dài hạn (requires incorporating short and long term perspectives), và (4) chấp nhận sự đánh đổi giữa hiệu quả và hiệu suất (involves the recognition of trade-offs between effectiveness and efficiency).

Nhìn chung, quản trị chiến lược có một số đặc điểm chính sau (Thompson và Strickland, 1987):

  • Ranh giới giữa các giai đoạn trong quy trình quản trị chiến lược đôi khi khó có thể phân biệt rõ ràng trong thực tế; thiết lập tầm nhìn chiến lược bao gồm vạch ra các mục tiêu cần đạt được của doanh nghiệp, thiết lập các mục tiêu bao gồm việc phân tích khả năng và phương pháp để đạt được các mục tiêu đã đề ra.
  • Nhiệm vụ của hoạch định chiến lược không bao giờ được tách rời với tầm nhìn của nhà quản trị chiến lược. Chiến lược được hoạch định và triển khai thực hiện trong một môi trường động, tương tác giữa các bên trong và ngoài doanh nghiệp, với thời hạn hoàn thành công việc, và các vấn đề phát sinh không mong muốn cũng như các cuộc khủng hoảng nhất thời nội bộ hay môi trường của doanh nghiệp. Quản trị chiến lược không phải là công việc độc quyền của các nhà quản lí, mặc dù đây là chức năng quan trọng nhất của họ nhằm đưa doanh nghiệp đến thành công mong đợi.
  • Các vấn đề chiến lược, những cơ hội mới, những ý tưởng sáng tạo về chiến lược hay thực hiện chúng không phải lúc nào cũng xuất hiện theo thời gian biểu đề ra, trong nhiều tình huống, cần được xử lý ngay tại thời điểm phát sinh.
  • Hoạt động quản trị chiến lược phải được xem như một vấn đề đang diễn ra và liên tục phát triển, biến động. Nhiệm vụ “chiến lược hóa” không phải là nhiệm vụ được thực hiện một lần, trong khi các định hướng, mục tiêu chiến lược dài hạn, khi đã được thiết lập, thường ổn định. Do đó, chiến lược cũng như hoạt động quản trị chiến lược doanh nghiệp phải linh động trước những thay đổi thuộc cả về môi trường bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Đa phần chiến lược thời gian được triển khai một cách tuần tự, nhưng đôi khi trong bối cảnh khủng hoảng, một số quyết định liên quan đến chiến lược phải được đưa ra một cách gấp rút, hợp lý và kịp thời. Vì vậy, thực hiện chiến lược cũng là kết quả của sự cải tiến, cập nhật không ngừng, sự tinh chỉnh trong nội bộ, là kết quả tổng hợp của các quyết định điều hành và điều chỉnh hành vi của cả doanh nghiệp, nhà quản trị chiến lược và các thành viên.

Khái quát lại, hoạt động quản trị chiến lược của nhà quản lý là một tập hợp các quyết định và hành động; thể hiện thông qua kết quả của việc hoạch định, thực thi và đánh giá các chiến lược; được xây dựng nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp. Đây là một hoạt động diễn ra liên tục nhằm xác lập và duy trì phương hướng chiến lược và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; cũng như thực hiện những quyết định phản ứng phù hợp và kịp thời trước những biến động của môi trường trong và ngoài doanh nghiệp.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 11 – 14.