Ma trận SPACE phân tích môi trường kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp

Ma trận SPACE (Strategic Position & ACtion Evaluation matrix) là mô hình phân tích môi trường kinh doanh và tính cạnh tranh của doanh nghiệp; được xây dựng trên cơ sở khắc phục một số hạn chế của các mô hình trước đó như BCG, McKinsey.

1. Nội dung phân tích ma trận SPACE

Ma trận SPACE cho phép các doanh nghiệp phân tích lựa chọn chiến lược theo hướng tấn công, thận trọng, phòng thủ, hay cạnh tranh đối với mỗi đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU). Bốn yếu tố đóng vai trò quan trọng, tác động đến chiến lược chung của doanh nghiệp là các trục của ma trận SPACE, gồm:

  • FS (Financials Strength) – Sức mạnh tài chính của doanh nghiệp;
  • CA (Competitive Advantage) – Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp;
  • ES (Enviroment Stability) – Sự ổn định của môi trường;
  • IS (Industry Strenght) – Sức mạnh của ngành.

Ma trận SPACE được hình thành với bốn hành vi chiến lược cơ bản, gồm: tấn công, cạnh tranh, thận trọng và phòng thủ.

Hành vi chiến lược tấn công (aggressive posture) phổ biến trong các ngành công nghiệp hấp dẫn trong nền kinh tế ổn định. Sức mạnh tài chính giúp cho doanh nghiệp theo đuổi chiến lược này đạt được lợi thế cạnh tranh; từ đó tận dụng tốt những cơ hội trong ngành hoặc các ngành liên quan thông qua mua bán sáp nhập, gia tăng thị phần, và/hoặc tập trung nguồn lực để sản xuất những sản phẩm mũi nhọn. Rào cản gia nhập thị trường đối với các đối thủ tiềm ẩn trở thành vấn đề trọng tâm trong những ngành này.

Hình 1: Cấu trúc ma trận SPACE

Hành vi chiến lược cạnh tranh (competitive posture) thường thấy trong các ngành hấp dẫn trong nền kinh tế tương đối bất ổn. Các doanh nghiệp theo đuổi hành vi này với lợi thế cạnh tranh có thể dùng nguồn lực tài chính để tăng cường hoạt động marketing, đẩy mạnh bán hàng, cải thiện hoặc mở rộng chuỗi sản phẩm. Họ cũng có thể tập trung vào nâng cao năng suất lao động, cắt giảm chi phí hoặc sáp nhập với các doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền mặt. Như vậy, sức mạnh tài chính là yếu tố đóng vai trò quyết định trong trường hợp này.

Hành vi chiến lược thận trọng hay bảo thủ (conservative posture) được áp dụng trong thị trường có tốc độ tăng trưởng chậm nhưng ổn định. Yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp là tài chính ổn định và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Trong trường hợp này, doanh nghiệp thường thu hẹp dòng sản phẩm, cắt giảm chi phí, cải thiện quản lý dòng tiền, bảo vệ tính cạnh tranh của sản phẩm, hướng đến phát triển sản phẩm mới và nỗ lực thâm nhập các thị trường tiềm năng hơn.

Hành vi chiến lược phòng thủ (conservative posture) thường gặp trong ngành kém hấp dẫn, tại đó, năng lực cạnh tranh là yếu tố thành công cốt yếu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong bối cảnh này theo đuổi hành vi phòng thủ thường có đặc điểm thiếu sản phẩm mang tính cạnh tranh và sức mạnh tài chính. Họ phải chuẩn bị tinh thần cho các kịch bản như rút khỏi thị trường, dừng sản xuất những sản phẩm có lợi nhuận cân biên thấp, cắt giảm chi phí, thu hẹp quy mô sản xuất.

Hình 48: Ví dụ các hình ảnh chiến lược phân tích ma trận SPACE

  • Hình (a): Doanh nghiệp mạnh về tài chính, đạt được nhiều lợi thế cạnh tranh trong một ngành ổn định;
  • Hình (b): Doanh nghiệp mạnh về tài chính và là doanh nghiệp nổi bật trong ngành;
  • Hình (c): Doanh nghiệp có sức mạnh về tài trong một ngành ổn định nhưng không tăng trưởng; doanh nghiệp không có lợi thế cạnh tranh;
  • Hình (d): Vị trí cạnh tranh của Doanh nghiệp rất kém trong ngành có mức tăng trưởng và ổn định;
  • Hình (e): Doanh nghiệp đang khó khắn về tài chính trong một ngành bất ổn;
  • Hình (f): Doanh nghiệp bất lợi về cạnh tranh trong một ngành ổn định về công nghệ, doanh số đang giảm.

Nhìn chung, ma trận SPACE được sử dụng trong hoạch định và đánh giá chiến lược; cho thấy doanh nghiệp nên lựa chọn chiến lược nào đối với mỗi đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU). Ứng dụng ma trận này giúp nhà hoạch định quyết định được sẽ lựa chọn chiến lược thích hợp nhất là tấn công (Aggressive), thận trọng/ bảo thủ (Conservative), phòng thủ (Defénive) hay cạnh tranh (Competitive).

Các ưu điểm khi triển khai ma trận SPACE là :

  • Chủ động trong việc lựa chọn chiến lược, tùy theo yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài tác động lên tổ chức;
  • Có thể thay đổi chiến lược để rút lui khỏi thị trường một cách dễ dàng;
  • Xác định vị trí chiến lược, và đánh giá được hoạt động của tổ chức;
  • Là công cụ quản trị chiến lược mà những yếu tố chiến lược được trình bày rõ ràng, một cách đặc biệt liên quan đến vị trí cạnh tranh của tổ chức.

Các nhược điểm của phương pháp ma trận SPACE là:

  • Không đánh giá chính xác được các yếu tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp nên cần phối hợp với các ma trận khác (SWOT, BCG, EFE, IFE);
  • Các yếu tố trọng số được đánh giá đa phần là do chủ quan, chưa thật sự chính xác, có thể dẫn đến sai lệch hướng đi cho doanh nghiệp;
  • Chỉ có thể thực hiện khi mà môi trường kiểm toán và thống kê chặt chẽ mới đưa ra được kết quả một cách chính xác.

2. Phương pháp xây dựng

Ma trận SPACE được xây dựng theo các bước sau:

  • Bước 1: Lựa chọn 1 nhóm các biến số thể hiện FS, CA, ES và IS và xác định tầm quan trọng của từng biến số. Phương pháp cần thực hiện là xếp danh sách các biến số từ cao đến thấp theo mức độ quan trọng của chúng. Tầm quan trọng của mỗi biến số (%) được tính theo công thức sau:

Với i:               vị trí xếp hạng của yếu tố hay yếu tố có vị trí xếp hạng thứ i;

n: tổng số yếu tố.

  • Bước 2: Gán giá trị cho các biên số từ 1 đến 6 cho FS và IS; từ -6 đến -1 cho ES và CA;
  • Bước 3: Tính giá trị bình quân cho FS, CA, ES và IS;
  • Bước 4: Đánh dấu các điểm bình quân cho FS, CA, ES và IS trên các trục;
  • Bước 5: Cộng 2 điểm trên trục hoành/tung và đánh dấu kết quả điểm trên trục hoành/tung; Vẽ giao điểm trục tung và hoành;
  • Bước 6: Vẽ vecto từ gốc tọa độ qua giao điểm mới. Vecto cho thấy dạng chiến lược của tổ chức là tấn công, cạnh tranh, phòng thủ hoặc duy trì.

Xem thêm các ví dụ phân tích thực tế ma trận SPACE tại đây.

Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 171 – 175.