Cùng với các ma trận thông dụng như SWOT, SPACE, BCG, IE, ma trận chiến lược chính GSM (Grand Strategy Matrix) cũng được như một công cụ để phân tích hành vi chiến lược và so sánh, kết hợp những yếu tố cơ hội cũng như nguy cơ bên ngoài với các điểm mạnh, điểm yếu của môi trường bên trong, từ đó hình thành các chiến lược khả thi đối với doanh nghiệp. Ma trận chiến lược chính GSM cũng được nghiên cứu và phát triển trên cơ sở kế thừa và tổng hợp các ma trận BCG, McKinsey.
1. Nội dung phân tích ma trận chiến lược chính GSM
Ma trận GSM là công cụ phổ biến để hình thành các chiến lược có khả năng lựa chọn. Các bộ phận kinh doanh của công ty sẽ được định vị ở 1 trong 4 vùng của ma trận. Sự hình thành ma trận được dựa trên hai yếu tố cơ bản là vị trí cạnh tranh của SBU và mức tăng trưởng của thị trường. Theo đó, mỗi đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU) của doanh nghiệp có thể được định vị thuộc một trong bốn vùng sau: (I) vị thế cạnh tranh mạnh trong thị trường tăng trưởng nhanh, (II) vị thế cạnh tranh thấp trong thị trường tăng trưởng nhanh, (III) vị thế cạnh tranh thấp trong thị trường tăng trưởng thấp, hoặc (IV) vị thế cạnh tranh mạnh trong thị trường tăng trưởng thấp. Trong mỗi vùng các chiến lược thích hợp sẽ được liệt kê theo thứ tự hấp dẫn trong mỗi vùng của ma trận; và trong mỗi vùng, doanh nghiệp cần lựa chọn đúng loại hình chiến lược phù hợp cho SBU tương ứng.
Hình 1: Cấu trúc ma trận chiến lược chính GSM
Ma trận chiến lược chính là công cụ phổ biến để hình thành các chiến lược có khả năng lựa chọn và thường xuyên kết hợp với các ma trận khác để đưa ra các chiến lược đúng đắn (đặc biệt kết hợp với SWOT). Ma trận chiến lược chính có thể giúp lên kế hoạch cho một chiến lược cho cả doanh nghiệp lớn hoặc nhỏ.
2. Phương pháp xây dựng và áp dụng thực tế
Để xây dựng ma trận chiến lược chính GSM, các bước cần triển khai như sau:
- Bước 1: Xác định các SBU chiến lược của doanh nghiệp;
- Bước 2: Xác định vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường và tốc độ tăng trưởng ngành của SBU chiến lược tương ứng;
- Bước 3: Định vụ SBU trong 1 trong 4 vùng của ma trận và xác định chiến lược cụ thể theo vùng ma trận GSM đó.
Ví dụ ma trận chiến lược chính của Eximbank:
Về vị thế cạnh tranh trên thị trường, Eximbank thuộc nhóm tương đối mạnh khi so sánh với các ngân hàng khác trên thị trường. Về tăng trưởng của thị trường, thị trường dịch vụ ngân hàng trong thời gian qua tăng trưởng rất nhanh. Dưới áp lực cạnh tranh gia tăng từ các loại hình tổ chức tài chính khác trong bối cảnh hội nhập, từ sự hiểu biết và đòi hỏi cao hơn của khách hàng và từ sự thay đổi công nghệ, các ngân hàng thương mại đang không ngừng mở rộng danh mục dịch vụ. Sự gia tăng nhanh chóng danh mục dịch vụ ngân hàng làm cho thị trường dịch vụ ngân hàng sôi động hơn, phát triển hơn và đã có ảnh hưởng tốt đến ngành. Dựa vào hai yếu tố trên, ma trận chiến lược chính của Eximbank nằm ở vùng I.
Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 177 – 178.
30 Th1 2020