Ma trận Ashridge Portfolio Display quản trị danh mục kinh doanh

Để xác định và quản trị danh mục các lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, nhà quản trị chiến lược thường căn cứ vào các chỉ tiêu sau:

  • Sự cân bằng danh mục, ví dụ trong mối quan hệ với thị trường và nhu cầu / khả năng của doanh nghiệp;
  • Tính hấp dẫn của các đơn vị kinh doanh trong danh mục về tính sinh lời và tốc độ tăng trưởng; và
  • Mức độ “phù hợp” của các đơn vị kinh doanh trên cơ sở năng lực cộng hưởng giữa hoặc tổng thể của doanh nghiệp.

Các mô hình phân tích danh mục kinh doanh trong tay nhà quản trị chiến lược gồm ma trận BCG, ma trận McKinsey đã được trình bày trên đây. Ngoài ra, ma trận Ashridge Portfolio Display của Goold, Campbell và Alexander (1994) cũng là một công cụ quản lý danh mục kinh doanh hiệu quả.

1. Nội dung phân tích của ma trận Ashridge Portfolio Display quản trị danh mục kinh doanh

Ma trận này cho rằng các doanh nghiệp nên xây dựng danh mục phù hợp với năng lực của trụ sở công ty mẹ; và trụ sở công ty mẹ cũng nên xây dựng các năng lực này cho phù hợp với danh mục kinh doanh. Theo đó, ma trận được hình thành theo hai nguyên tắc sau:

  • Mức độ chứa đựng số lượng các đơn vị kinh doanh chiến lược (SBUs) của công ty mẹ trong danh mục kinh doanh; cụ thể phản ánh qua mức độ phù hợp giữa các yếu tố thành công then chốt (critical success factors) của các SBUs và khả năng (năng lực và nguồn lực) và đặc điểm của công ty mẹ;
  • Sự phù hợp giữa thời cơ từ công ty mẹ của SBU, khả năng và đặc điểm của công ty mẹ; thể hiện qua lợi nhuận mà SBU mang lại cho công ty mẹ.

Nếu các yếu tố thành công then chốt của đơn vị kinh doanh không phù hợp với khả năng và đặc điểm của công ty mẹ, các nhà quản trị chiến lược của công ty mẹ sẽ hiểu sai và phá hỏng đơn vị kinh doanh đó. Tiêu chí đánh giá phù hợp đầu tiên thực chất là tránh xa rủi ro; sự không phù hợp này thường gắn liền với thua lỗ thường xuyên.

Các yếu tố thành công then chốt của đơn vị kinh doanh phù hợp với đặc điểm của công ty mẹ sẽ làm giảm thiểu rủi ro: phù hợp càng cao rủi ro càng thấp và ngược lại. Thời cơ từ công ty mẹ của đơn vị kinh doanh không phù hợp với khả năng của công ty mẹ sẽ mang lại khả năng lợi nhuận cao: càng phù hợp thì giá trị tiềm năng càng cao và ngược lại. Thời cơ từ công ty mẹ ở đây được hiểu là thời cơ để đơn vị kinh doanh cải thiện vận hành kinh doanh nhờ sự hỗ trợ từ công ty mẹ.

Hình 1: Ma trận Ashridge Portfolio Display quản trị danh mục kinh doanh

Nguồn: Goold, Campbell và Alexander (1994)

Ma trận Ashridge Portfolio Display như hình trên cho phép phân tích các nhóm đơn vị kinh doanh như sau (Goold, Campbell và Alexander, 1994):

  • Các đơn vị kinh doanh trung tâm (Heartland business units) cho phép công ty mẹ sinh lời mà không có rủi ro đáng kể nào. Chúng chính là trung tâm của chiến lược doanh nghiệp;
  • Các đơn vị kinh doanh cân bằng (Ballast business units) là các đơn vị mà công ty mẹ nắm vững nhưng không thể làm gì được nhiều. Nếu nằm trong chiến lược doanh nghiệp, các đơn vị này cần được quản lý một cách sáng tạo và gây ra ít chi phí hành chính nhất có thể;
  • Các đơn vị kinh doanh bẫy lợi nhuận (Value trap business units) có vẻ hấp dẫn vì công ty có cơ hội sinh lời, nhưng lại tiềm ẩn rủi ro cao vì nếu càng tập trung sẽ càng thua lỗ nặng hơn. Chỉ nên đưa các đơn vị kinh doanh bẫy lợi nhuận này trong chiến lược doanh nghiệp nếu chúng có thể phát triển thành các đơn vị kinh doanh trung tâm; và cũng có thể cần những điều chỉnh về kỹ năng, nguồn lực hoặc đặc điểm của doanh nghiệp nếu cần;
  • Các đơn vị kinh doanh ngoại lai (Alien business units) không phù hợp có ít cơ hội sinh lời và thường công ty rất khó phản ứng với chúng. Nên chiến lược tốt nhất là từ bỏ các đơn vị kinh doanh này.

2. Phương pháp xây dựng

Để xây dựng ma trận Ashridge Portfolio Display, các bước cần triển khai như sau:

  • Bước 1: Xác định các SBU chiến lược của doanh nghiệp;
  • Bước 2: Mức độ phù hợp giữa các yếu tố thành công then chốt của các SBUs, khả năng (năng lực và nguồn lực) và đặc điểm của công ty;
  • Bước 3: Xác định mức độ phù hợp giữa thời cơ của SBU, khả năng và đặc điểm của công ty thể hiện qua lợi nhuận mà SBU mang lại cho công ty mẹ.
  • Bước 4: Định vị các SBUs trên hình vẽ ma trận.

Xem áp dụng ma trận Ashridge Portfolio Display phân tích các ví dụ thực tế tại đây.

Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 180 – 183.