Khái niệm, đặc điểm và nội dung thực thi chiến lược doanh nghiệp

1. Khái niệm thực thi chiến lược

Thực thi chiến lược là quá trình mang tính kỷ luật, tập hợp các hành động và quyết định cần thiết cho việc triển khai chiến lược. Để tiến hành thực thi chiến lược, các doanh nghiệp phải lên các ý tưởng từ trước; nói cách khác về bản chất, thực thi chiến lược là quá trình chuyển tiếp từ việc hoạch định chiến lược, biến các ý tưởng đã được lập kế hoạch thành các hành động cụ thể. Theo Miller và Dess (1996), việc triển khai chiến lược bao gồm một loạt các nỗ lực tập trung vào việc chuyển đổi ý định chiến lược thành hành động.

Theo một cách hiểu khác, thực thi chiến lược là chuỗi thành động thực thi các quyết định (Henry Mintzberg, 2009). Như vậy, nếu chiến lược là một mô hình trong chuỗi các quyết định, thực thi chiến lược sẽ cho phép các chủ thể tạo ra mô hình ra quyết định, đồng thời đồng nhất các lựa chọn hành động phục vụ cho mục tiêu chung của tổ chức. Đây là định nghĩa thực thi chiến lược.

Đồng quan điểm với Henry Mintzberg (2009), Wheelen and Hunger (2012) cho rằng, thực thi chiến lược là “tập hợp các hoạt động và lựa chọn cần thiết để thực hiện một kế hoạch chiến lược“. Noble (1999) định nghĩa thực thi chiến lược là tổng hợp các hoạt động “truyền thông, giải thích, thông qua và ban hành các kế hoạch chiến lược” (the communication, interpretation, adoption, and enactment of strategic plans) (Noble, 1999, p. 120).

2. Đặc điểm thực thi chiến lược

Thực thi chiến lược có những đặc điểm riêng biệt, phân biệt rõ ràng với hoạt động hoạch định chiến lược. Hoạch định là một trong những chức năng cơ bản của quản trị, dùng để phân tích và định vị các lực lượng của doanh nghiệp và có tác động đến doanh nghiệp trước khi phân bổ vào hoạt đông. Đây là một quá trình nghiên cứu có tính hệ thống, đòi hỏi tư duy logic và sự tham gia của cả lãnh đạo và nhân viên trong doanh nghiệp; trong đó đặt trọng tâm vào sự phối hợp của các cấp lãnh đạo. Mặt khác, vì hoạch định hướng đến các mục tiêu, phương hướng cụ thể trong tương lai nên quá trình này đòi hỏi nguồn nhân lực tham gia hoạch định có năng lực, trực giác nhạy bén cùng kỹ năng phân tích tốt để có thể đi sâu, phát hiện các cơ hội mới, nhận thức được những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hoạt động. Mục đích chung của hoạch định là cho phép nhà quản trị chiến lược xác định, lựa chọn mục tiêu chiến lược, phương pháp thực thi và dự kiến phân bổ nguồn lực.

Thực thi chiến lược tập trung vào quản lý các lực lượng khi hành động thay vì định vị chúng, là “… thiết kế các cấu trúc tổ chức thích hợp và các hệ thống kiểm soát để đưa chiến lược được lựa chọn của tổ chức vào hành động” (Hill và cộng sự, 2007, trang 5). Đây là một quá trình tác nghiệp đóng vai trò tổ chức, điều hành và giám sát để đảm bảo thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, chiến lược đã được hoạch định. Vì mang tính chất quản lý nên quá trình này yêu cầu các kỹ năng quản lý và tổ chức nhân sự, khả năng lãnh đạo cùng sự hợp tác chặt chẽ, khả năng làm việc nhóm của các bộ phận phòng, ban, giữa các nhân viên. Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp khác nhau lại có đặc thù riêng biêt, hoạt động trong các lĩnh vực không giống nhau; vì vậy triển khai chiến lược cũng có thể theo các quy trình khác nhau.

Như vậy, sự chuyển giao trách nhiệm, chuyển tiếp vai trò giữa hai quá trình hoạch địch và thực thi chiến lược là khá rõ ràng. Chiến lược được hoạch định từ trước đó bởi các nhà quản trị chiến lược nhưng sẽ được hành động cụ thể bởi toàn thể các thành viên dưới sự chỉ đạo và kiểm soát của các nhà quản lý, các cấp lãnh đạo trong doanh nghiệp.

Bảng 1: Phân biệt hoạch định và thực thi chiến lược

Hoạch định chiến lược Thực thi chiến lược
  • Phân tích và định vị các lực lượng trước khi hoạt động;
  • Quá trình tư duy;
  • Đòi hỏi trực giác và kỹ năng phân tích tốt;
  • Đòi hỏi phối hợp 1 vài cá nhân nguồn nhân lực cao cấp;
  • Các khái niệm, công cụ của hoạch định chiến lược tương đối như nhau giữa các tổ chức có quy mô và loại hình hoạt động khác nhau.
  • Quản lý các lực lượng khi hành động;
  • Quá trình tác nghiệp;
  • Đòi hỏi kỹ năng quản lý nhân sự và lãnh đạo đặc biệt;
  • Đòi hỏi phối hợp nhiều cá nhân, nhiều bộ phận;
  • Thực thi chiến lược có sự khác nhau rất lớn giữa các quy mô và loại hình hoạt động của tổ chức.

3. Nội dung thực thi chiến lược

Trên thực tế, các nhà quản trị chiến lược phải chịu trách nhiệm về tập hợp các tiềm lực của doanh nghiệp, làm sao có đủ sức đối diện với các vấn đề có thể phát sinh trong thực hiện chiến lược. Chính vì vậy, họ dành rất nhiều tâm huyết cho hoạt động kiểm soát các nhân tố từ nhân sự đến tài chính, các hoạt động quy mô đòi hỏi phải được thực hiện trong môi trường với đầy đủ các thông tin, các quy trình làm việc bắt kịp với sự tiên tiến của công nghệ,… để đảm bảo chiến lược của doanh nghiệp được triển khai thực hiện một cách có hiệu quả. Hầu như trong các doanh nghiệp đều gặp các vấn đề quản trị chính trong quá trình thực thi chiến lược, gồm:

– Thiết lập các mục tiêu hàng năm: mục tiêu chính sách là những chỉ dẫn, điều hướng cho các hoạt động của tổ chức, là cơ sở cho nhà quản trị hướng tới mục tiêu dài hạn trong tương lai. Mục tiêu hàng năm thường mang tính ngắn hạn, trong vòng 1 năm trở lại. Các nhà quản trị dựa vào nguyên tắc SMART để thiết lập các mục tiêu ngắn hạn thực tế mà có hiệu quả. Theo SMART, mục tiêu đề ra cần phải được biểu hiện rõ ràng, cụ thể và dễ hiểu vì nó định hướng cho tương lai (Specific). Thứ hai, mục tiêu phải đo lường được (Measurable), tức là cần được gắn với con số, mốc thời gian… cụ thể. Tiếp theo, cần phân định rõ được ai sẽ là người chịu trách nhiệm tham gia hoàn thành mục tiêu đó, có nghĩa là mục tiêu mang tính phân quyền được (Assignable) dựa trên khả năng, tiềm lực của mỗi người khác nhau. Mục tiêu phải sát với thực tế, có tính khả thi cao (Realistic), phù hợp với chiến lược lâu dài của doanh nghiệp và dựa trên điều kiện, môi trường hoạt động hiện tại của doanh nghiệp. Cuối cùng, nhà quản lý cần đặt ra thời hạn xác định (Time-bounded) để hoàn thành mục tiêu đúng thời điểm. Những tiêu chí này sẽ tạo nên mục tiêu thường niên nhất quán, có tính logic cao phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp.

– Xây dựng các chính sách: Chính sách là những quy tắc, thủ tục, những quy định hành chính được thiết lập nhằm hỗ trợ việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Sâu sắc hơn, đây là một trong những công cụ để thực thi chiến lược, đặt ra các giới hạn cần thiết cho mỗi nhân viên trong doanh nghiệp chấp hành và tuân theo. Việc xây dựng chính sách tạo điều kiện cho các nhân viên, các phòng ban trong toàn doanh nghiêp, tổ chức ý thức rõ ràng họ được làm gì, phải làm gì, cần làm như thế nào để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.

– Phân bổ nguồn lực: phân phối các nguồn lực khác nhau cho mỗi một vị trí là hoạt động các doanh nghiệp cần thực hiện sau khi đã thiết lập được hệ thống chính sách nhằm triển khai thực hiện chiến lược. Vì trong một doanh nghiệp có rất nhiều bộ phận với chức năng khác nhau như nhân sự, tài chính-kế toán, marketing… Câu hỏi đặt ra với nhà quản lý là làm thế nào để đảm bảo doanh nghiệp có đủ nguồn lực và phân phối các nguồn lực này (tài chính, cơ sở vật chất, nhân lực, công nghệ…) một cách hợp lý cho các bộ phận khác nhau; để họ có thể phát huy hết khả năng và hạn chế lãng phí nguồn lực. Các quyết định phân bổ thương theo thứ tự ưu tiên nhất định để điều hướng các hoạt động có hiệu quả hơn.

– Thay đổi cấu trúc tổ chức: Cấu trúc, cơ cấu của tổ chức có khả năng quyết định đến việc hoạch định chiến lược và các nguồn lực được phân bổ như thế nào. Việc điều chỉnh, thay đổi, xác định lại cơ cấu tổ chức sẽ tăng tính hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực qua đó doanh nghiệp có thể thực thi các chiến lược sao cho phù hợp với đặc thù của mình.

– Phát triển năng lực lãnh đạo chiến lược: Như đã phân tích ở trên, thực thi chiến lược là quá trình quản lý các lực lượng khi hành động. Nó đòi hỏi khả năng lãnh đạo, chèo lái, dẫn dắt đội ngũ cấp dưới của những người đứng đầu doanh nghiệp trong tổ chức thực hiện chiến lược đúng hướng. Vì vậy, phát triển đội ngũ lãnh đạo chiến lược cho phép doanh nghiệp nâng cao khả năng định hướng, có thể khuyến khích, tạo động lực, sự gắn kết cho tất cả các thành viên cùng nhau làm việc, hoạt động hướng tới mục tiêu có hiệu quả.

– Phát triển văn hóa doanh nghiệp: Đồng thời trong quá trình thực thi chiến lược, doanh nghiệp không thể bỏ qua vấn đề phát triển văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa là môi trường hữu cơ được tạo ra bởi ngôn ngữ, các biểu tượng, các tục lệ – nghi lễ, các giai thoại dưới sự chi phối của con người. Môi trường này sẽ tạo điều kiện cho chiến lược được duy trì và phát triển. Nếu văn hóa doanh nghiệp bị lãng quên hoặc chiến lược đi ngược lại với văn hóa doanh nghiệp, thì chiến lược đó sẽ không thể thực thi được như đã hoạch định.

Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 220 – 221.