Chiến thuật chức năng: xây dựng và triển khai trong thực thi chiến lược

1. Khái niệm chiến thuật chức năng

Chiến thuật chức năng đóng vai trò trung tâm trong quá trình định lượng các hệ giá trị mà một doanh nghiệp có thể tạo ra và thu được. Theo đó, chiến thuật chức năng là các hoạt động mang tính chỉ dẫn được tiến hành tại mỗi bộ phận chức năng như marketing, tài chính – kế toán, sản xuất, R&D, nhân sự… nhằm hỗ trợ chiến lược doanh nghiệp hoàn thành các mục tiêu chiến lược. Trên thực tế, các chiến thuật chức năng mà một doanh nghiệp lựa chọn cũng có tác động đến giá trị thu được của các đối thủ cạnh tranh lẫn các đối tác của doanh nghiệp. Phụ thuộc vào mô hình doanh nghiệp, nhà quản lý sẽ quyết định doanh nghiệp có nên theo đuổi chiến thuật cạnh tranh hay hợp tác với đối thủ trên thị trường.

2. Phân biệt giữa chiến lược và chiến thuật

Trong quản trị chiến lược, hai phạm trù chiến lược và chiến thuật có rất nhiều đặc điểm khác biệt. Chiến lược đề cập đến việc lựa chọn mô hình kinh doanh mà thông qua đó doanh nghiệp xác định cách thức để tập trung vào một lĩnh vực cụ thể có sức cạnh tranh trong thị trường. Chúng thường hướng đến bối cảnh của doanh nghiệp trong tương lai dài hạn, ví dụ như trong vòng 3-5 năm và được phát triển bởi các nhà quản trị cấp công ty và cấp kinh doanh sau quá trình thương lượng, bàn bạc và đi đến thống nhất. Với khả năng điều hướng mục tiêu trong dài hạn, chiến lược kinh doanh có tính bao quát rộng, ít cụ thể và không dễ dàng bị hủy bỏ.

Bảng 1: Phân biệt chiến thuật và chiến lược

Nguồn: theo Casadesus-Masanell và Ricart (2010)

Chiến thuật chức năng nằm ở giai đoạn tiếp theo sau khi doanh nghiệp đã xác định được chiến lược kinh doanh. Chiến thuật không diễn ra trong thời gian quá dài mà chủ yếu xảy ra trong hiện tại hoặc trong tương lai gần khoảng 1 năm trở lại. Vì diễn ra trong thời gian ngắn nên chiến thuật thể hiện tính cụ thể hơn so với chiến lược và có thể dễ dàng được điều chỉnh căn cứ vào tình hình thực tại của doanh nghiệp. Thành phần tham gia thảo luận, phát triển các chiến thuật thường do các nhà quản lý cấp kinh doanh và chức năng đảm nhiệm.

Ví dụ dưới đây về General Cinema Corporation sẽ minh họa sự khác biệt về chiến thuật và chiến lược doanh nghiệp:

Hình 74: Chiến thuật và chiến lược của General Cinema Corporation

Nguồn: Sưu tầm

Ở mục tiêu chiến lược cấp cao nhất (cấp công ty), doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng thường niên cụ thể ở mức hai con số, đồng thời định vị sản phẩm, dịch vụ theo hướng giải trí đa dạng hơn kết hợp định hướng khách hàng nhằm tăng cường dòng tiền mặt từ các hoạt động điển hình (chiếu phim, dịch vụ dồ uống). Để thực hiện mục tiêu cao nhất đó, General Cinema Corparation thực hiện chiến lược tập trung và phát triển thị trường có chọn lọc với việc duy trì vị trí số 1 ở Mỹ. Các nhà quản lý của công ty đã vạch ra và thi hành các chiến thuật chức năng cho từng bộ phận khá chi tiết. Trên phương diện marketing, thể loại phim đa dạng hơn xuất hiện ở nhiêu phòng chiếu nhằm tạo sự lựa chọn phong phú cho các đối tượng khán giả khác nhau, đặc biệt trong đó dòng phim về chủ đề gia đình được trình chiếu khá nhiều. Doanh nghiệp định giá khá cao so với các đối thủ tại địa phương kết hợp gia tăng sự cạnh tranh các phim hạng nhất tại thì trường này. Về mặt tài chính, công ty chủ trương tập trung vốn cho các phim chất lượng cao và đặt mục tiêu tăng lợi nhuận thông qua số lượng thay vì tăng giá vé xem phim. Nhằm tăng cường tối đa dòng tiền mặt từ hoạt động chiếu phim, công ty còn kết hợp hoạt động cho thuê hoặc bán rạp. Trong chiến thuật chức năng mảng nghiệp vụ, General Cinema Corparation tập trung sử dụng các phòng chiếu mini nhưng được trang bị đầy đủ các thiết bị vừa thu hút được người xem vừa tối giản được các khoản chi phí. Bên cạnh đó, các rạp chiếu được chủ yếu đặt ở các trung tâm mua sắm, nơi dễ dàng thu hút sự chú ý của khách hàng và các vị trí chiến lược khác để nâng cao cơ hội đấu thầu các phim hạng nhất.

Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 236 – 239.