Chiến lược kinh doanh theo giai đoạn phát triển của ngành

Mỗi giai đoạn trong chu kì phát triển ngành có thể tạo nên những cơ hội và thách thức khác nhau, do đó ảnh hưởng khác nhau đến chiến lược của doanh nghiệp. Vì vậy, để đảm bảo lợi thế cạnh tranh gắn liền với sự phát triển của ngành, doanh nghiệp cần phải liên tục xem xét và đánh giá lại các chiến lược cấp kinh doanh của mình sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển ngành. Các giai đoạn phát triển của ngành được minh họa như hình sau:

1. Chiến lược cạnh tranh trong các ngành bị phân tán mỏng

Ngành bị phân tán mỏng là ngành bao gồm một số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng không có doanh nghiệp nào chi phối thị trường. Ngành bị phân tán mỏng có đặc điểm là rào cản gia nhập thấp do thiếu tính kinh tế theo quy mô dẫn đến có nhiều doanh nghiệp muốn tham gia vào. Trong ngành cũng tồn tại tính phi kinh tế theo quy mô và không tồn tại hoạt động sản xuất đại trà với khối lượng sản xuất lớn.

Trong ngành này, doanh nghiệp có thể áp dụng một số chiến lược cấp kinh doanh như chiến lược phát triển chuỗi kinh doanh bằng cách tạo hệ thống cửa hàng nhằm theo đuổi chiến lược chi phí thấp; thực hiện nhượng quyền kinh doanh (franchising); chiến lược tích hợp theo hàng ngang như thu mua lại các doanh nghiệp khác hoặc ứng dụng công nghệ thông tin và internet để phát triển mô hình kinh doanh mới.

2. Chiến lược cạnh tranh trong ngành mới xuất hiện

Ngành mới xuất hiện là ngành mới phát triển khi đổi mới công nghệ, tạo nên những sản phẩm và thị trường mới. Đặc điểm của ngành này là tính không ổn định về mặt kỹ thuật – công nghệ, có một số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ cùng tham gia cạnh tranh trong một lĩnh vực nhưng lại không có một chiến lược rõ ràng, những doanh nghiệp mới gia nhập ngành sẽ phải đối mặt với chi phí ban đầu cao nhưng có thể giảm dần chi phí về sau. Do mới xuất hiện nên lượng khách hàng đầu tiên thấp và cầu thị trường tăng trưởng chậm. Có nhiều chiến lược để doanh nghiệp có thể áp dụng trong ngành này như chiến lược định hình cấu trúc ngành, chiến lược đại dương xanh, chiến lược thâm nhập thị trường.

Thương mại điện tử là ngành mới xuất hiện cùng với sự đổi mới công nghệ tại Việt Nam. Có nhiều doanh nghiệp tham gia ngành này như Vật giá, Vietnamnet iCom, VCCorp…Vào thời điểm mới xuất hiện, Vật giá phải đối mặt với chi phí lớn như chi phí xây dựng Website, chi phí tìm kiếm khách hàng, chi phí đào tạo nhân viên …Tuy nhiên, khi hoạt động ngày càng thành công thì các chi phí này càng được kiểm soát và là một trong những công ty thành công trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.

3. Chiến lược cạnh tranh trong ngành tăng trưởng

Ngành tăng trưởng là ngành mà lần đầu tiên cầu gia tăng với tốc độ cao do có nhiều khách hàng gia nhập thị trường. Trong ngành này, mức độ cạnh tranh ngày càng tăng, sản xuất quy mô lớn bắt đầu khi các nỗ lực về công nghệ khiến cho việc sản xuất trở nên dễ dàng hơn và mang lại nhiều giá trị hơn cho số đông khách hàng, xuất hiện nhiều sản phẩm bổ sung cốt lõi và doanh nghiệp bắt đầu tìm cách giảm chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp trong ngành này thường áp dụng các chiến lược cạnh tranh tổng quát (chi phí thấp, khác biệt hóa hoặc tập trung), thâm nhập thị trường bằng sản xuất hàng loạt với chi phí thấp và sử dụng rộng rãi các phương tiện truyền thông.

Ví dụ: Ngành sữa Việt Nam là ngành đang có tốc độ tăng trưởng khá cao. Mức độ cạnh tranh ngày càng tăng do sự gia nhập của nhiều đối thủ như Abott, Vinamilk, Nutifood… Công ty Dutch Lady đã truyền thông rộng rãi trên TV, báo, đài… cũng như việc tối thiểu hóa chi phí bằng cách kiểm soát giá nguyên liệu đầu vào, sản xuất hàng loạt cũng như cải tiến sản phẩm phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng để cạnh tranh thành công.

4. Chiến lược cạnh tranh trong ngành bão hòa

Ngành bão hòa là ngành bị thống trị bởi một số lượng nhỏ các công ty lớn. Mọi hoạt động của các công ty này đều có ảnh hưởng rất lớn đến những công ty khác và sự thành công trong chiến lược của một công ty bị ảnh hưởng lớn bởi phản ứng của đối thủ cạnh tranh. Ngành bão hòa trở nên rất vững chắc do kết quả của cạnh tranh gay gắt trong suốt giai đoạn tổ chức lại thị trường. Các công ty lớn sử dụng nhiều biện pháp để bảo vệ lợi nhuận ngành và mức lợi nhuận chung giảm sút do sức ép từ phía khách hàng ngày càng lớn. Hai chiến lược được coi là hiệu quả đối với ngành này là chiến lược ngăn cản gia nhập mới (Đa dạng hóa sản phẩm, giảm giá sản phẩm và duy trì năng lực dư thừa) và chiến lược cạnh tranh trong ngành (chi phí thấp, kiểm soát năng lực sản xuất, cạnh tranh phi giá).

Ngành xe máy là ngành bão hòa tại thị trường Việt Nam. Các công ty thống trị ngành này gồm Honda, Yamaha, SYM, Piagio…Để giữ vững vị trí trong ngành này, công ty Honda đã áp dụng chính sách khác biệt hóa sản phẩm và chiến lược cạnh tranh phi giá bằng việc tung ra sản phẩm xe máy SH. SH là dòng xe có giá dẫn đầu trong các loại xe trên thị trường hiện nay, và đã có chỗ đững rất vững chắc trong đoạn thị trường người tiêu dùng thu nhập cao.

5. Chiến lược cạnh tranh trong ngành suy thoái

Ngành suy thoái là ngành mà cầu thị trường đạt mức thấp nhất hoặc đang sụt giảm, quy mô của toàn bộ thị trường bắt đầu co rút. Cạnh tranh có xu hướng ngày càng khốc liệt hơn và lợi nhuận giảm dần. Ngành suy thoái có đặc điểm là bấp bênh do sự suy giảm cầu, phụ thuộc vào tốc độ và dạng suy thoái, cũng như có những rào cản nhất định khi rút khỏi ngành. Những doanh nghiệp trong thị trường này thường áp dụng các chiến lược như chiến lược dẫn đầu thị phần, chiến lược tập trung vào một đoạn thị trường có thế mạnh, hay chiến lược rút vốn có kiểm soát hoặc thu hồi vốn để đảm bảo an toàn.

Ngành trò chơi game tại Hàn Quốc được cho là đang suy thoái, quy mô thị trường năm 2013 giảm 19,6% so với năm 2012, trong khi game moblie tăng tới 190% so với năm trước. Để bảo vệ sự tồn tại của mình, game Hàn Quốc đã hướng sang thị trường xuất khẩu và tập trung vào thị trường này trong khi game mobile chỉ chiếm 8,2 %. Các thị trường xuất khẩu của game Hàn Quốc là Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á và Bắc Mỹ.

6. Chiến lược cạnh tranh trong các ngành kinh doanh toàn cầu

Ngành kinh doanh toàn cầu là lĩnh vực hoạt động mà các doanh nghiệp cùng ngành cùng cung cấp sản phẩm/dịch vụ tương tự cạnh tranh với nhau trên thị trường quốc tế. Để thành công trong ngành này, doanh nghiệp cần cân nhắc hai yếu tố, đó là tiêu chuẩn hóa sản phẩm và khác biệt hóa sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng. Các chiến lược doanh nghiệp có thể lựa chọn gồm chiến lược tiêu chuẩn hóa toàn cầu, chiến lược địa phương hóa, chiến lược xuyên quốc gia và chiến lược quốc tế.

Các công ty cạnh tranh trong ngành kinh doanh toàn cầu phải kể đến Toyota, Toshiba, Intel, Lotte…Các công ty này hầu hết đều áp dụng kết hợp giữa chiến lược xuyên quốc gia và chiến lược tiêu chuẩn hóa toàn cầu trong sản phẩm của mình để đạt được sự cạnh tranh thành công.

Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương.