1. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Theo Porter (1985, 1996), năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng sinh tồn và phát triển thịnh vượng, là kết quả từ lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác. Lợi thế cạnh tranh là khả năng của công ty trong việc sản xuất ra các sản phẩm mang lại cho khách hàng những lợi ích vượt trội hơn so với sản phẩm của đối thủ, từ đó mang lại doanh số bán hàng cao hơn và thu được nhiều lợi nhuận hơn.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn là khả năng tự bảo vệ và cải thiện vị trí của mình trong quan hệ với đối thủ cạnh tranh đang hoạt động trên cùng một thị trường, là khả năng của doanh nghiệp trong việc làm tốt hơn các doanh nghiệp cạnh tranh khác về doanh số, lợi nhuận, thị phần hoặc chênh lệch hơn về giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Về mức độ bền vững trong dài hạn, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đồng nghĩa với việc tạo ra hiệu suất lợi nhuận về lâu dài, khả năng bù đắp cho nhân viên và mang lại thu nhập cao hơn cho chủ đầu tư (Buckley, 1988). Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được đo lường thông qua hoạt động tài chính của mình. Khi xuất hiện cơ hội giúp tăng sinh lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ nâng cao năng suất sản xuất và doanh số bán hàng. Một năng lực tài chính tốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và ngược lại. Để đo lường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, người ta thường sử dụng các phương pháp đo lường hiệu quả tài chính mà phổ biến là tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu bán hàng.
Một quốc gia có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên trường quốc tế hay không phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong quốc gia đó (Christensen, Đại học Havard). Theo Porter (1998), chủ thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế chính là bản thân các doanh nghiệp chứ không phải là quốc gia. Đối với tất cả các công ty cạnh tranh với nhau, các yếu tố thuộc về môi trường ít nhiều có sự thống nhất. Theo nghiên cứu của McGahan (1999), có tới 36 phần trăm sự khác biệt về lợi nhuận xuất phát từ tính chất và đặc điểm hoạt động của công ty. Theo một số quan điểm tầm vĩ mô khác nghiên cứu các doanh nghiệp độc lập cùng với các chiến lược trên phạm vi toàn cầu của các doanh nghiệp này nhằm xác định xem đâu là nguồn lực thực sự tạo nên năng lực cạnh tranh của họ. Mặc dù môi trường ngành và môi trường kinh tế vĩ mô có những tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng chính bản thân doanh nghiệp cùng với năng lực nội tại của mình quyết định sẽ khai thác những cơ hội, đương đầu với thách thức hay khắc phục những rủi ro từ môi trường bên ngoài như thế nào. Sự am hiểu về các yếu tố thuộc môi trường bên ngoài và cách thức ứng phó quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đó. Các yếu tố nội bộ như cơ cấu tổ chức, năng lực tài chính, kinh nghiệm thương trường, nguồn nhân lực và vật lực là nhân tố chính để doanh nghiệp xoay chuyển linh hoạt và thích ứng với môi trường kinh doanh đầy biến động bên ngoài.
2. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và lợi thế cạnh tranh
Trong kinh tế học và các học thuyết kinh doanh, khái niệm về năng lực cạnh tranh đã được đưa ra rất nhiều nhưng chưa được xác định một cách chặt chẽ trong những tài liệu nghiên cứu trước đây. Sau khi có quá nhiều khái niệm khác nhau được đưa ra, năng lực cạnh tranh trở thành một khái niệm không rõ ràng. Một số tác giả sử dụng thuật ngữ này đồng nghĩa với lợi thế cạnh tranh, trong khi một số quan điểm khác cho rằng đây là một đặc điểm kinh tế mang tính chất toàn cầu.
Một chỉ số biểu thị năng lực cạnh tranh gây tranh cãi nhất là chỉ số thuộc kinh tế vĩ mô. Các quốc gia có thể cạnh tranh với nhau nhằm gia tăng thị phần hoặc tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các yếu tố như tính ổn định về môi trường kinh doanh, về tình hình chính trị – pháp luật hay các cơ hội đầu tư có lợi nhuận chỉ đóng góp vào việc tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi chứ không thuộc năng lực cạnh tranh của bản thân mỗi doanh nghiệp.
Trong phạm vi kinh tế học vi mô, các chỉ số biểu thị năng lực cạnh tranh có cơ sở lí thuyết vững chắc hơn khi tập trung vào những điểm thiết yếu của các nhà sản xuất trong cạnh tranh về thị phần, lợi nhuận hoặc năng lực xuất khẩu. Năng lực này của các doanh nghiệp được đo lường bằng quy mô hoặc sự gia tăng thị phần, qua các hoạt động xuất khẩu, qua các tỉ số về giá cả, năng lực cạnh tranh về chi phí sản xuất hay bởi những chỉ số phức tạp và đa chiều khác. Các chỉ số này khác nhau về đặc điểm hoặc số lượng các phân khúc mà doanh nghiệp tập trung vào.
Khái niệm về năng lực cạnh tranh và lợi thế cạnh tranh có sự tương đương nhau. Michael Porter (1985) đã mô tả về lợi thế cạnh tranh như sau: “Lợi thế cạnh tranh đến từ các giá trị của doanh nghiệp có khả năng mang lại cho người mua những giá trị cao hơn chi phí tạo ra chúng. Giá trị là những gì người mua sẵn sàng chi trả, những mặt hàng có giá trị cao với việc đưa ra mức giá thấp hơn đối thủ cạnh tranh cho những lợi ích tương tự hoặc mang lại những lợi ích riêng biệt bù đắp lại mức giá cao được đưa ra. Có hai loại lợi thế cạnh tranh cơ bản: Dẫn đầu về chi phí và sự khác biệt.”
Lợi thế cạnh tranh là một khái niệm tương đối, phụ thuộc vào môi trường hoạt động của từng công ty. Định nghĩa lợi thế cạnh tranh của Porter chỉ đơn thuần tập trung vào khách hàng và giá trị so sánh. Từ khi xuất hiện việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ bằng tiền trở thành bản chất của kinh doanh thì điều này ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, khái niệm này còn khá hẹp so với sự tăng cường tích hợp giữa toàn bộ năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh.
Lợi thế cạnh tranh không phải là khái niệm có tính bền vững. Một doanh nghiệp muốn có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác phải không ngừng đấu tranh và nỗ lực phát triển. Một khi doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh, các đối thủ khác vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả khi bị mất lợi thế. Đây chính là động cơ lớn trên thị trường cạnh tranh.
Nguồn lực chính tạo nên năng lực cạnh tranh và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp là tiêu chuẩn chi phí đơn vị bóng (Chi phí đơn vị bóng là việc đánh giá chi phí tính trên một đơn vị sản xuất không căn cứ vào giá thị trường). Đây là năng lực cạnh tranh thực sự và đối lập hoàn toàn với sự biến dạng giá. Biến dạng giá là yếu tổ thuộc tổng chi phí đơn vị và không phải là một thành phần trong chi phí đơn vị bóng.
Để phát triển lợi thế cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp cần có một kế hoạch trong dài hạn và mục tiêu kiên định. Đây không chỉ là vấn đề về tính khéo léo trong chiến lược mà còn là sự tích hợp toàn bộ nỗ lực giữa các bộ phận trong nội bộ doanh nghiệp.
Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 171 – 175.
10 Th9 2019