1. Khái niệm năng lực cạnh tranh
Năng lực cạnh tranh là khái niệm có tầm quan trọng bậc nhất trong kinh tế học hiện đại, được xác định trong phạm vi từng quốc gia, từng ngành công nghiệp hoặc trong từng doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh là phương pháp đo lường giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành và có mối liên quan mật thiết với sự hiện diện của lợi thế cạnh tranh.
Theo cộng đồng cạnh tranh quốc gia (NCC): “Năng lực cạnh tranh là khả năng đạt được thành công trên thị trường trong việc nâng cao tiêu chuẩn sống cho mọi người, bắt nguồn từ mức độ cạnh tranh của công ty và môi trường kinh doanh cho phép và khuyến khích sự đổi mới, đầu tư góp phần mạnh mẽ vào việc tăng năng suất, tăng mức thu nhập thực tế và tạo nên sự phát triển bền vững.”
Theo định nghĩa của OECD, năng lực cạnh tranh biểu thị khả năng của mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành công nghiệp, mỗi khu vực, quốc gia hoặc các tổ chức xuyên quốc gia trong việc đương đầu với sự cạnh tranh trên trường quốc tế và đảm bảo tính bền vững của tỉ suất lợi nhuận trên yếu tố đầu vào và tỉ lệ tuyển dụng cao. Trong dài hạn, cải thiện năng lực cạnh tranh góp phần gia tăng tổng sản lượng. Nâng cao năng suất sản xuất có tầm quan trọng đặc biệt giúp cạnh tranh thành công hơn trên thương trường, cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo thêm nhiều việc làm về lâu dài. Ngoài ra, năng suất sản xuất cao còn phản ánh khả năng sử dụng hiệu quả các lợi thế cạnh tranh trong khi các nguồn lực tự nhiên ngày càng khan hiếm và tình hình cạnh tranh toàn cầu ngày càng trở nên khốc liệt hơn (Thống kê cấu trúc công nghiệp của OECD, 1994).
OECD còn nhấn mạnh rằng, năng lực cạnh tranh là khả năng sử dụng các yếu tố sản xuất nhằm tạo ra doanh thu cao và bền vững, việc tham gia vào môi trường cạnh tranh quốc tế góp phần mang lại tỉ lệ việc làm cao hơn (Toàn cầu hóa và năng lực cạnh tranh của OECD, 1996).
2. Ba cấp độ năng lực cạnh tranh
Năng lực cạnh tranh có thể được phân biệt thành ba cấp độ: cấp quốc gia, cấp ngành, và cấp doanh nghiệp. Có thể nói ba cấp độ của năng lực cạnh tranh mặc dù có sự độc lập tương đối nhưng giữa ba cấp độ năng lực cạnh tranh vẫn tồn tại mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau và được mô tả qua hình dưới.
Hình 1: Ba cấp độ của năng lực cạnh tranh
Nguồn: theo Porter (1990)
- Năng lực cạnh tranh cấp quốc gia
Scott và Lodge (1985) định nghĩa năng lực cạnh tranh quốc gia là khả năng của một quốc gia tạo ra, sản xuất, phân phối các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường quốc tế và thu được nguồn lợi tăng lên từ các nguồn lực của nó. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tiếp cận khái niệm này cụ thể hơn dựa trên các trụ cột của một quốc gia:“Năng lực cạnh tranh quốc gia là một hệ thống các thể chế, chính sách, quy định tạo nên mức sản lượng của một quốc gia. Nói cách khác, một nền kinh tế cạnh tranh thì có xu hướng có thể đem tới mức thu nhập cao hơn cho các công dân của mình, tỷ lệ tái đầu tư lớn hơn và do đó có thể phát triển nhanh hơn trong tương lai trung và dài hạn”. Năng lực cạnh tranh của một quốc gia sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nước đó. Vì vậy, năng lực cạnh tranh quốc gia cũng tác động đến năng lực cạnh tranh ngành thông qua tác động đến các doanh nghiệp trong nước của ngành; thêm vào đó tác động đến thu hút đầu tư nước ngoài – thứ mà sau cùng cũng tác động đến năng lực cạnh tranh của những ngành thu hút được đầu tư nước ngoài.
Theo Asia Development Outlook 2003, năng lực cạnh tranh quốc gia là khả năng cạnh tranh của một nước để sản xuất các hàng hóa và dịch vụ đáp ứng được thử thách của thị trường quốc tế. Đồng thời, duy trì và mở rộng được thu nhập thực tế của công dân nước đó. Mặt khác, năng lực cạnh tranh quốc gia phản ánh khả năng của một nước để tạo ra việc sản xuất sản phẩm, phân phối sản phẩm và dịch vụ trong thương mại quốc tế, trong khi kiếm được thu nhập tăng lên từ nguồn lực của nó.
Theo diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), thì năng lực cạnh tranh quốc gia được hiểu là “sức mạnh thể hiện trong hiệu quả kinh tế vĩ mô, đó là năng lực của một nền kinh tế đạt được và duy trì mức tăng trưởng bền vững, thu hút đầu tư, bảo đảm ổn định kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân trên cơ sở xác định các chính sách, thể chế bền vững tương đối và các đặc trưng kinh tế khác”. Và được đo bằng tám chỉ tiêu: mức độ mở của nền kinh tế, vai trò của Nhà nước, vai trò của thị trường tài chính, môi trường công nghệ, kết cấu hạ tầng, chất lượng quản trị kinh doanh, hiệu quả và tính linh họat của thị trường lao động, môi trường pháp lý.
- Năng lực cạnh tranh cấp ngành
Cạnh tranh giữa các ngành là cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất khác nhau nhằm mục đích đầu tư có lợi hơn và kết quả là tạo nên tỷ suất lợi nhuận bình quân và giá trị sản xuất. Năng lực cạnh tranh cấp ngành thường được dùng cho ngành sản xuất trong phạm vi một quốc gia, thể hiện khả năng của một ngành trong việc đương đầu với các thách thức phát sinh từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài (IMD, 2004). Vì vậy, năng lực cạnh tranh ngành không chỉ được quyết định bởi các yếu tố nội tại của ngành, tức năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành, mà còn bởi các yếu tố từ Chính phủ trong việc xây dựng môi trường kinh doanh, tức năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Năng lực cạnh tranh cấp doanh nghiệp
Năng lực cạnh tranh cấp doanh nghiệp thể hiện qua khả năng sinh lời của đồng vốn mà doanh nghiệp đã đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở cấp độ này, chỉ số cạnh tranh thể hiện ở các yếu tố như khả năng sinh lợi nhuận, chi phí, năng suất sản xuất và thị phần. Bên cạnh đó, các yếu tố như các kĩ năng quản trị, tài chính, những kiến thức về mặt công nghệ, bản chất của thị trường cũng ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh doanh nghiệp (Theo Công nghiệp Canada 1995, OECD 1992 và Grossi 1990).
Bản chất của cạnh tranh ngày nay không phải tiêu diệt đối thủ mà chính là doanh nghiệp phải tạo ra và mang lại cho khách hàng những giá trị gia tăng cao hơn hoặc khác biệt so với đối thủ để họ có thể lựa chọn mình mà không đến với đối thủ cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được hiểu là khả năng của doanh nghiệp trong việc thiết kế, sản xuất và cung cấp sản phẩm ưu việt hơn soi với đối thủ khi đã tính đến yếu tố giá cả. Porter (1990) khái quát hơn khi định nghĩa năng lực cạnh tranh doanh nghiệp là khả năng của một doanh nghiệp nhất định cạnh tranh thành công trong một môi trường kinh doanh nhất định. Theo GS.TS. Nguyễn Bách Khoa (2004) trình bày trong bài viết “Phương pháp luận xác định NLCT và hội nhập kinh tế quốc tế của DN” được đăng trên tạp chí khoa học thương mại của trường ĐH Thương mại thì NLCT của DN được hiểu là: “tích hợp các khả năng và nguồn nội lực để duy trì và phát triển thị phần, lợi nhuận và định vị những ưu thế cạnh tranh của sản phẩm của DN trong mối quan hệ với đối thủ cạnh tranh trực tiếp và tiềm tàng trên một thị trường mục tiêu xác định”. Như vậy, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gắn liền với các yếu tố về năng suất, sản phẩm, lợi thế cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được cấu thành và quyết định một phần bởi năng lực cạnh tranh của sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất.
Năng lực cạnh tranh của sản phẩm là lợi thế, ưu việt của sản phẩm mà doanh nghiệp cung ứng so với đối thủ cạnh tranh trong việc thỏa mãn tốt nhất các đòi hỏi của khách hàng để chiếm thị phần và lợi nhuận ngày càng cao hơn. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ cao thể hiện qua việc được sử dụng nhiều và nhanh chóng khi trên thị trường có nhiều doanh nghiệp cung cấp loại sản phẩm, dịch vụ đó (Bùi Xuân Phong, 2003).
3. “Mô hình kim cương” của Michael Porter
Năng lực cạnh tranh của quốc gia/vùng lãnh thổ sẽ quyết định đến sự thịnh vượng của vùng/lãnh thổ đó. Mặt khác, năng lực cạnh tranh này lại phụ thuộc vào năng lực sáng tạo để nâng cao năng suất. Theo Michael Porter: Cạnh tranh là tạo ra năng suất và năng suất là giá trị sản lượng do một đơn vị lao động hoặc vốn sinh ra, nó phụ thuộc vào chất lượng và đặc điểm của sản phẩm (yếu tố quyết định giá của sản phẩm). Như vậy, có thể có thể xem xét: năng suất của người lao động? Năng suất của người nắm đồng vốn? Năng suất vùng, lãnh thổ/địa phương hay quốc gia? Năng suất vùng, địa phương hay quốc gia được hiểu là mức sống tăng dần của xã hội phụ thuộc vào khả năng tăng năng suất theo thời gian của các doanh nghiệp, thể hiện cụ thể: năng suất của người lao động, năng suất của đồng vốn được sử dụng, nguồn thu nhập của quốc dân từ thuế để chi trả cho các dịch cụ công ích (y tế, giáo dục, an sinh xã hội…) góp phần đẩy mạnh nâng cao mức sống người dân. Có thể nói khả năng cạnh tranh và năng suất mới có thể đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế lâu dài. Do đó, các nền kinh tế cần xây dựng và nuôi dưỡng môi trường kinh doanh kinh tế vi mô có tính cạnh tranh, cho phép các doanh nghiệp cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc giải phóng sức cạnh tranh trong nội bộ.
Để có thể xây dựng và nuôi dưỡng môi trường kinh doanh kinh tế vi mô có tính cạnh tranh cần biết được một quốc gia/vùng lãnh thổ đang ở giai đoạn phát triển kinh tế nào với các ưu tiên chính sách khác nhau. Nền kinh tế lấy điều kiện sẵn có làm động lực tạo ra giá trị nhờ khai thác tài nguyên và các điều kiện sẵn có do đó sẽ không đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Giai đoạn hai nền kinh tế sẽ dựa vào nguyên vật liệu đầu vào để tạo ra hàng hóa và dịch vụ có giá trị hơn. Còn giai đoạn cuối cùng đó là tạo ra giá trị độc đáo cho nhiều khách hàng, giúp cho năng suất cao hơn thông qua tổng hợp các yếu tố.
Hình 1: Các giai đoạn phát triển kinh tế của quốc gia/vùng lãnh thổ
Mô hình kim cương của Giáo sư Michael Porter phân tích các yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh đồng thời đánh giá một quốc gia hay vùng lãnh thổ có môi trường kinh doanh vi mô lành mạnh hay không. Mô hình đưa ra 4 nhân tố tác động qua lại lẫn nhau và quyết định lợi thế cạnh tranh quốc gia/vùng lãnh thổ đó là:
Hình 2: Mô hình “kim cương” của Porter (1990)
Mô hình kim cương của Porter đưa ra bốn nguồn lực chủ đạo tạo nên năng lực cạnh tranh gồm:
- Điều kiện về yếu tố sản xuất: Các yếu tố sản xuất ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh gồm nguồn tài nguyên thiên nhiên, lao động, giáo dục, viễn thông, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, thị trường vốn, khung pháp lí cung cấp các điều kiện cơ bản cho các nguồn lực riêng biệt của công ty để đạt được lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh. Mục tiêu cơ bản của các yếu tố sản xuất là định hướng theo hướng chuyên môn hóa và không ngừng nâng cao giá trị tăng thêm thông qua sự khác biệt hóa và quy mô kinh tế, chuyển đổi mục đích sử dụng các yếu tố đầu vào nhằm đạt được những giá trị cao hơn.
- Điều kiện về cầu thị trường: Mức cầu nội địa về chất lượng, dịch vụ, độ bền, chức năng và những đóng góp cho môi trường được xác định là động lực cho sự đổi mới, cải tiến liên tục và nâng cao trình độ chuyên môn của các doanh nghiệp nghiệp trong nước. Vai trò của thị trường nội địa là tạo ra nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ với tiêu chuẩn nghiêm ngặt và được công nhận giá trị trên thị trường quốc tế. Từ đó gia tăng giá trị cho các sản phẩm quốc nội, thúc đẩy hoạt động sản xuất có hiệu quả hơn, đáp ứng được mong muốn và kì vọng không những của thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế rộng lớn.
- Các nghành công nghiệp phụ trợ: Có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, các ngành công nghiệp trong nước nhằm hỗ trợ năng lực cạnh tranh tầm quốc tế, nâng cao lợi thế cạnh tranh.
- Cơ cấu ngành công nghiệp về chiến lược của doanh nghiệp và tình hình cạnh tranh: Đặc tính này nhằm khác biệt hóa sự sáng tạo, tổ chức quản lí trong doanh nghiệp và bản chất của cạnh tranh cấp quốc gia. Sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp là hỗ trợ đắc lực cho việc xây dựng một môi trường kinh doanh hấp dẫn đối với đầu tư trong nước và nước ngoài, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Tài liệu tham khảo
Porter Michael E. (1990), The Competitive Advantage of Nations, New York: Free Press (pdf).
Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 171 – 175.
10 Th9 2019