Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp: định nghĩa, nguồn gốc và phương pháp xác định

Mặc dù khái niệm lợi thế cạnh tranh được sử dụng rộng rãi từ những năm 1980, nhưng lại chưa có nghiên cứu đưa ra một định nghĩa chính thức. Các tác phẩm và nghiên cứu về chiến lược thời này chủ yếu đề cập điểm mạnh và điểm yếu cụ thể của doanh nghiệp (Russel, 1970; Andrews, 1971); hoặc chỉ đề cập đến trong một vài trường hợp không rõ ràng (Penrose, 1959); hoặc sử dụng thuật ngữ này, nhưng chỉ để mô tả điều mà một doanh nghiệp cần để cạnh tranh một cách hiệu quả (Ansoff, 1965). Cho mãi tới năm 1985, lần đầu giới thiệu thuật ngữ “Lợi thế cạnh tranh” được sử dụng chính thức bởi Michael Porter (1985).

1. Định nghĩa và nguồn gốc lợi thế cạnh tranh

Theo các cách tiếp cận khác nhau, các nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều khái niệm khác nhau về lợi thế cạnh tranh. Một số được thừa nhận rộng rãi gồm:

  • Một doanh nghiệp được cho là có lợi thế cạnh tranh khi thực hiện được một chiến lược tạo ra giá trị mà không đối thủ hiện tại hay tiềm năng nào có thể thực hiện được” (Barney, 1991, tr. 102).
  • Khi một doanh nghiệp có được tỉ suất lợi nhuận kinh tế cao hơn tỉ suất lợi nhuận kinh tế bình quân của các doanh nghiệp khác trong cùng một thị trường, thì doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh trong thị trường đó” (Besanko, Dranove và Shanley, 2000, tr. 389).
  • Một năng lực đặc biệt trở thành một lợi thế cạnh tranh khi được áp dụng trong một ngành công nghiệp hoặc được đưa ra một thị trường” (Kay, 1999, tr. 14).
  • Những doanh nghiệp có nguồn lực vượt trội sẽ có được đặc lợi … Thu nhập vượt quá điểm hòa vốn được gọi là đặc lợi, thay vì lợi nhuận, nếu sự tồn tại của nó không gây ra sự cạnh tranh mới” (Peteraf, 1993, tr. 180; 185).
  • Lợi thế cạnh tranh nằm ở trung tâm hiệu quả của doanh nghiệp trên thị trường cạnh tranh […] Lợi thế cạnh tranh là việc một doanh nghiệp đã áp dụng các chiến lược tổng quát vào thực tế như thế nào […] Lợi thế cạnh tranh về cơ bản gia tăng vượt ra khỏi giá trị của một doanh nghiệp có thể tạo ra cho người mua” (Porter, 1985, tr. xv; xvi).

Lợi thế cạnh tranh được phân thành hai loại cơ bản: lợi thế chi phí thấp và lợi thế khác biệt hóa (Porter, 1985). Lợi thế chi phí thấp (cost advantage) đạt được khi doanh nghiệp cung ứng những giá trị/tiện ích như các đối thủ cảnh tranh nhưng với chi phí thấp hơn. Lợi thế khác biệt hóa (differentitation advantage) đạt được là khi doanh nghiệp cung ứng những giá trị/tiện ích vượt trội hơn sản phẩm/dịch vụ các đối thủ cạnh tranh; khác biệt ở đây là “một cái gì đó độc đáo, được khách hàng đánh giá cao hơn việc đưa ra một mức giá thấp” (Porter, 1985). Một doanh nghiệp trở nên khác biệt so với đối thủ cạnh tranh nếu doanh nghiệp đó tạo ra được một sản phẩm/dịch vụ mà đối thủ không làm được, hoặc có được một nguồn tài nguyên mà đối thủ không có. Và, khách hàng đánh giá cao điều này và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để có được sản phẩm/dịch vụ đó.

Bản chất lợi thế cạnh tranh cho phép doanh nghiệp tạo ra giá trị cao hơn cho khách hàng của doanh nghiệp cũng như mang lại lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp.

Lợi thế cạnh tranh và giá trị tạo ra

Lợi thế cạnh tranh và giá trị tạo ra

Nguồn: Porter (1985)

Về cơ bản, bất kể nguồn lực nào mang lại cho doanh nghiệp khả năng vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh đều có thể là nền tảng xây dựng lợi thế cạnh tranh. Các nguồn truyền thống điển hình gồm nguồn lực tài chính, khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, độc quyền sở hữu một số nguồn lực giới hạn nào đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh và tự do hội nhập toàn cầu, các nguồn lực trên ngày càng dễ tiếp cận và dễ bị bắt trước.

Vì vậy, để xây dựng và đạt được lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp hiện nay có thể dựa trên 3 nguồn chủ đạo sau:

  • Công nghệ và đổi mới

Đổi mới gồm những đổi mới trong cả sản phẩm/dịch vụ và quy trình. Đổi mới sản phẩm là những sản phẩm được coi là mới đối với hoặc nhà sản xuất hoặc các khách hàng; khách hàng ở đây bao gồm cả người sử dụng và các nhà phân phối. Đổi mới quy trình là nói đến các quy trình mới hoặc làm giảm chi phí sản xuất hoặc kích cầu sản xuất sản phẩm mới. Mặc dù tầm quan trọng của sự đổi mới và vai trò của năng lực công nghệ trong quỹ đạo tăng trưởng của doanh nghiệp ngày càng tăng, nhưng rất khó có thể hiểu rõ đổi mới công nghệ được triển khai và diễn ra như thế nào trong các tổ chức khác nhau vì chiến lược công nghệ, kế hoạch định hướng cho việc tích lũy và triển khai các nguồn lực và năng lực công nghệ giữa họ cũng khác nhau đáng kể.

Nhằm duy trì vị thế của mình, các doanh nghiệp sáng tạo hàng đầu liên tục nghiên cứu để có được những sản phẩm, dịch vụ, và cách làm việc tốt hơn. Đổi mới cũng thúc đẩy năng suất, giá trị sản lượng sản xuất bởi một đơn vị lao động hay đơn vị vốn. Một doanh nghiệp càng năng suất thì càng sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả. Quốc gia có càng nhiều doanh nghiệp năng suất thì hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên của quốc gia đó càng cao.

  • Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực là một thuật ngữ dùng để mô tả những cá nhân trong lực lượng lao động của một tổ chức, mặc dù nó cũng được áp dụng trong kinh tế học lao động, ví dụ như các lĩnh vực kinh doanh hoặc thậm chí cho toàn bộ quốc gia. Doanh nghiệp có thể phát huy lợi thế cạnh tranh này chỉ bằng cách tạo ra giá trị mà đối thủ cạnh tranh khó có thể bắt chước được. Các nguồn truyền thống như nguồn lực tài chính và tài nguyên thiên nhiên, công nghệ và lợi thế theo quy mô có thể được sử dụng để tạo ra giá trị. Tuy nhiên, các nguồn lực này ngày càng dễ tiếp cận và dễ bị bắt chước, nên ngày càng có vai trò hạn chế trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, chính sách và thực tiễn nguồn nhân lực có thể là một nguồn đặc biệt quan trọng tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp.

  • Cơ cấu tổ chức

Tổ chức là các biến thể của những thực thể nhóm. Một tổ chức có thể được cấu trúc theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào mục tiêu của tổ chức đó. Cấu trúc của một tổ chức sẽ xác định các phương thức mà nó vận hành và hoạt động. Cơ cấu tổ chức cho phép phân bổ trách nhiệm cho các quy trình và chức năng khác nhau đến các đối tượng khác nhau như các chi nhánh, phòng ban, nhóm làm việc và cá nhân. Ngoài ra, tương quan của sự thay đổi cấu trúc và quy trình được tăng cường bởi áp lực cạnh tranh gia tăng buộc các công ty phải tập trung vào năng lực cốt lõi của mình, vẽ lại ranh giới xung quanh những gì cấu thành và hỗ trợ lợi thế cạnh tranh của họ. Áp lực này được phản ánh trong việc thay đổi cơ cấu tổ chức từ một cơ cấu chức năng sang một cấu trúc đa bộ phận, thông qua việc chuyển dịch doanh nghiệp thành những đơn vị nhỏ hơn và được phân cấp.

2. Phương pháp xác định

Quy trình lựa chọn chiến lược cạnh tranh tổng quát được các nhà quản trị chiến lược thực hiện theo ba bước:

  • Bước 1: Xây dựng chuỗi giá trị của doanh nghiệp;
  • Bước 2: Phân tích chuỗi giá trị nhằm xác định yếu tố nào đã đang và sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trước các đối thủ;
  • Bước 3: Phân tích đặc điểm và khả năng tiếp cận, phát triển và khai thác những yếu tố có thể mang lại lợi thế cạnh tranh; từ đó xác định chiến lược cạnh tranh tổng quát phù hợp của doanh nghiệp.

Xem các ví dụ áp dụng và phân tích cụ thể tại đây.

 

Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 97 – 99.